Thuộc tính văn bản
Thu gọnSố/Ký hiệu | Thông tư 74/2011/TT-BNNPTNT |
Ngày ban hành | 31/10/2011 |
Ngày có hiệu lực | 15/12/2011 |
Ngày hết hiệu lực | |
Người ký | Cao Đức Phát |
Trích yếu | Truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Loại văn bản | Thông tư |
Căn cứ ban hành văn bản | Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa số 05/2007/QH12 ngày 21/11/2007; Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. |
Văn bản triển khai, hướng dẫn | |
Văn bản bị sửa đổi | |
Văn bản bị sửa đổi bởi | |
Văn bản bị bãi bỏ | |
Văn bản bị bãi bỏ bởi | |
Văn bản được hợp nhất | |
Văn bản được hợp nhất bởi |
Nội dung văn bản
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 74/2011/TT-BNNPTNT |
Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2011 |
Quy định việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm
nông lâm sản không bảo đảm an toàn
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa số 05/2007/QH12 ngày 21/11/2007;
Căn cứ Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:
Thông tư này quy định việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản và các cơ quan liên quan.
1. Các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc thực vật: Cơ sở trồng trọt; cơ sở sơ chế gắn liền với cơ sở trồng trọt; cơ sở thu gom; cơ sở sơ chế (độc lập); cơ sở bảo quản, vận chuyển; cơ sở chế biến; cơ sở kinh doanh (bao gồm cả thực phẩm nhập khẩu); (sau đây gọi tắt là cơ sở).
2. Cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn: Cơ sở chăn nuôi; cơ sở giết mổ; cơ sở sơ chế; cơ sở bảo quản, vận chuyển; cơ sở chế biến; cơ sở kinh doanh (bao gồm cả thực phẩm nhập khẩu); (sau đây gọi tắt là cơ sở).
3. Thông tư này không áp dụng đối với:
a) Hộ gia đình, cá nhân sản xuất thực phẩm nông lâm sản có quy mô nhỏ để sử dụng tại chỗ và không đưa ra tiêu thụ trên thị trường;
b) Cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm sản nhưng không dùng làm thực phẩm;
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Truy xuất nguồn gốc thực phẩm: là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh.
2. Thu hồi sản phẩm: là áp dụng các biện pháp nhằm đưa sản phẩm không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm ra khỏi chuỗi sản xuất kinh doanh thực phẩm.
3. Nguyên tắc truy xuất một bước trước - một bước sau: là cơ sở phải lưu giữ thông tin để bảo đảm khả năng nhận diện được cơ sở sản xuất kinh doanh/ công đoạn sản xuất trước và cơ sở sản xuất kinh doanh/ công đoạn sản xuất tiếp theo sau trong quá trình sản xuất kinh doanh đối với một sản phẩm được truy xuất.
4. Lô hàng sản xuất (mẻ sản xuất): là một lượng hàng xác định được sản xuất theo cùng một quy trình công nghệ, cùng điều kiện sản xuất và cùng một khoảng thời gian sản xuất liên tục.
5. Lô hàng nhận: là một lượng nguyên liệu được một cơ sở thu mua, tiếp nhận một lần để sản xuất.
6. Lô hàng giao: là một lượng thành phẩm của một cơ sở được giao nhận một lần.
Điều 4. Nguyên tắc kiểm tra hệ thống truy xuất nguồn gốc
Việc kiểm tra hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm sản được tiến hành đồng thời với hoạt động kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
1. Kiểm tra việc tuân thủ quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn của các cơ sở:
a) Cấp trung ương: là các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành theo phân công, phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Cấp địa phương: là cơ quan chuyên môn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công theo phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Kiểm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản bị cảnh báo mất an toàn thực phẩm:
a) Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan kiểm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản bị cảnh báo mất an toàn thực phẩm theo thông tin cảnh báo của nước nhập khẩu, từ các cơ quan kiểm tra nêu tại Điểm a Khoản 1 Điều này và từ các nguồn thông tin cảnh báo khác.
b) Chi Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản hoặc đơn vị được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan kiểm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản bị cảnh báo mất an toàn thực phẩm theo thông tin cảnh báo của cơ quan kiểm tra nêu tại Điểm b Khoản 1 Điều này và từ các nguồn thông tin khác của địa phương.
TRUY XUẤT NGUỒN GỐC, THU HỒI VÀ XỬ LÝ THỰC PHẨM NÔNG LÂM SẢN KHÔNG BẢO ĐẢM AN TOÀN
Điều 6. Nguyên tắc truy xuất nguồn gốc
1. Cơ sở phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc theo nguyên tắc một bước trước - một bước sau để bảo đảm khả năng nhận diện, truy tìm một đơn vị sản phẩm tại các công đoạn xác định của quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm.
2. Thông qua các hệ thống truy xuất nguồn gốc, cơ sở phải đưa ra thông tin cần xác định đã được lưu giữ về cơ sở cung cấp nguyên liệu và cơ sở tiếp nhận sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất của cơ sở.
3. Sản phẩm sau mỗi công đoạn phải được dán nhãn hoặc được định dạng bằng một phương thức thích hợp để dễ dàng truy xuất nguồn gốc.
Điều 7. Yêu cầu truy xuất nguồn gốc
1. Hệ thống truy xuất nguồn gốc của cơ sở phải được thiết lập và thực hiện bảo đảm các yêu cầu nêu tại Mục 1, 2, 3 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm nông lâm sản do cơ sở thực hiện trong các trường hợp như sau:
a) Khi cơ quan kiểm tra, giám sát yêu cầu;
b) Khi cơ sở phát hiện thực phẩm do chính cơ sở sản xuất kinh doanh không bảo đảm an toàn.
Điều 8. Thu hồi thực phẩm nông lâm sản
1. Cơ sở quy định tại Điều 2 Thông tư này phải thiết lập thủ tục thu hồi lô hàng giao bảo đảm các yêu cầu nêu tại Mục 4 Phụ lục ban hành kèm Thông tư này.
2. Các hình thức thu hồi thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn:
a) Thu hồi tự nguyện do cơ sở tự thực hiện.
b) Thu hồi bắt buộc theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra.
3. Cơ sở phải thực hiện việc thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra trong các trường hợp sau:
a) Thực phẩm hết thời hạn sử dụng mà vẫn lưu thông, bán trên thị trường.
b) Thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
c) Thực phẩm là sản phẩm công nghệ mới chưa được phép lưu hành.
d) Thực phẩm bị hư hỏng trong quá trình bảo quản, vận chuyển, kinh doanh làm sản phẩm không đảm bảo an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
e) Thực phẩm có chất cấm sử dụng hoặc có chứa tác nhân gây ô nhiễm vượt mức giới hạn quy định.
Điều 9. Hình thức xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm
1. Khắc phục lỗi ghi nhãn: áp dụng đối với trường hợp sản phẩm ghi nhãn chưa theo quy định.
2. Chuyển mục đích sử dụng: áp dụng đối với những trường hợp thực phẩm hết hạn sử dụng, không phù hợp với mục đích sử dụng ban đầu nhưng không có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm.
3. Tái xuất: áp dụng đối với các trường hợp thực phẩm nhập khẩu không đảm bảo an toàn; thực phẩm nhập khẩu hết hạn sử dụng; thực phẩm chưa được phép nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Tiêu hủy: áp dụng đối với thực phẩm bị biến chất, thiu, thối; thực phẩm sử dụng chất phụ gia hoặc chất hỗ trợ chế biến vượt quá mức giới hạn cho phép; thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc bị cấm sử dụng, hóa chất không rõ nguồn gốc; thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Việc tiêu hủy thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn phải theo quy định của pháp luật và phải được cơ quan kiểm tra về an toàn thực phẩm, chính quyền địa phương kiểm tra, xác nhận kết quả tiêu hủy.
Điều 10. Thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý nông lâm sản mất an toàn thực phẩm
1. Khi phát hiện thực phẩm nông lâm sản mất an toàn, cơ sở tổ chức thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm sản mất an toàn theo quy định tại Mục 3 Phụ lục kèm theo Thông tư này.
2. Trong trường hợp cơ quan kiểm tra phát hiện hoặc nhận được thông tin cảnh báo của nước nhập khẩu và từ các nguồn thông tin khác về thực phẩm mất an toàn, cơ quan kiểm tra theo phân công tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư này xử lý thông tin, thông báo cho cơ sở yêu cầu truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm mất an toàn. Văn bản thông báo bao gồm các thông tin sau:
a) Tên cơ sở chịu trách nhiệm truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý sản phẩm;
b) Thông tin nhận diện lô hàng phải thực hiện truy xuất nguồn gốc (chủng loại; mã số nhận diện lô hàng; khối lượng; ngày sản xuất; tên cơ sở sản xuất, kinh doanh - nếu có);
c) Lý do phải thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và biện pháp xử lý đối với sản phẩm thu hồi (nếu có);
d) Phạm vi và thời hạn phải thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm và xử lý sản phẩm thu hồi (nếu có);
e) Cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm mất an toàn.
3. Sau khi nhận được văn bản thông báo của cơ quan kiểm tra, cơ sở phải triển khai việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý sản phẩm theo quy định tại Mục 3, Mục 4.2 Phụ lục kèm theo Thông tư này.
4. Cơ quan kiểm tra theo phân công tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư này tổ chức kiểm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi, xử lý sản phẩm mất an toàn và hỗ trợ cơ sở khi cần thiết.
Điều 11. Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản
1. Chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan kiểm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản bị cảnh báo mất an toàn thực phẩm theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 5 Thông tư này.
2. Hàng năm hoặc đột xuất, báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện quy định về hệ thống truy xuất, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn trong phạm vi cả nước; kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành, đề xuất các giải pháp, biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm nông lâm sản.
Điều 12. Các Tổng cục, Cục chuyên ngành
1. Kiểm tra việc tuân thủ quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản thuộc phạm vi phân công, phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Phối hợp với Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản kiểm tra việc thực hiện truy xuất, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản mất an toàn theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 5 Thông tư này.
3. Hàng năm hoặc đột xuất (khi có yêu cầu), gửi báo cáo về kết quả kiểm tra việc tuân thủ quy định về truy xuất, thu hồi và xử lý sản phẩm không bảo đảm an toàn của các cơ sở thuộc phạm vi quản lý về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản).
Điều 13. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Tổ chức phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện Thông tư này tại địa phương.
2. Phân công và chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện kiểm tra việc tuân thủ quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn tại địa phương theo quy định tại Thông tư này.
Điều 14. Cơ quan kiểm tra địa phương
1. Thực hiện kiểm tra việc tuân thủ quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn của cơ sở tại địa phương theo chỉ đạo, phân công của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và theo hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của các Tổng cục, Cục chuyên ngành liên quan.
2. Hàng năm hoặc khi có yêu cầu, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổng cục, Cục chuyên ngành liên quan theo phân công về kết quả kiểm tra hoạt động truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý tại địa phương.
3. Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản hoặc đơn vị được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công kiểm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản mất an toàn thực phẩm theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 Thông tư này; trực tiếp tổ chức thu hồi, xử lý thực phẩm và yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn thanh toán chi phí cho việc thu hồi, xử lý thực phẩm trong trường hợp thực phẩm có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng hoặc các trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra cấp trên.
Điều 15. Cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm sản
1. Thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân, thiết lập biện pháp khắc phục, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn theo quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan.
2. Công bố thông tin về sản phẩm bị thu hồi và chịu trách nhiệm về thu hồi, xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn trong thời hạn do cơ quan kiểm tra quyết định.
3. Chấp hành hoạt động kiểm tra và biện pháp xử lý của cơ quan kiểm tra theo quy định tại Thông tư này.
4. Chịu mọi chi phí cho việc thu hồi, xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn.
5. Thực hiện các nội dung nêu tại Điều 6, Điều 7; Điều 8; Điều 9; Điều 10 Thông tư này và báo cáo cơ quan kiểm tra theo phân công sau khi kết thúc việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi, xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn khi có yêu cầu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản) để xem xét, sửa đổi, bổ sung./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
QUY ĐỊNH VỀ THIẾT LẬP VÀ THỰC HIỆN HỆ THỐNG TRUY XUẤT NGUỒN GỐC, THU HỒI
VÀ XỬ LÝ THỰC PHẨM NÔNG LÂM SẢN KHÔNG BẢO ĐẢM AN TOÀN
(Ban hành kèm Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2011)
1. Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm:
Hệ thống truy xuất nguồn gốc bao gồm các nội dung chính sau:
1.1. Phạm vi áp dụng của hệ thống;
1.2. Thủ tục mã hóa, nhận diện nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm trong suốt quá trình sản xuất. Thủ tục mã hóa sản phẩm phải đảm bảo thuận lợi để truy xuất được các thông tin cần thiết từ công đoạn sản xuất trước;
1.3. Thủ tục ghi chép và lưu trữ hồ sơ trong quá trình sản xuất;
1.4. Thủ tục thẩm tra định kỳ và sửa đổi hệ thống;
1.5. Thủ tục truy xuất nguồn gốc (người thực hiện, nội dung, cách thức, thời điểm triển khai);
1.6. Phân công trách nhiệm thực hiện.
2. Lưu trữ và cung cấp thông tin:
2.1. Lưu trữ thông tin:
2.1.1. Thông tin tối thiểu phải lưu trữ cho mục đích truy xuất tại mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm sản trong nước:
a) Đối với lô hàng nhận:
- Tên, địa chỉ và mã số (nếu có) của cơ sở cung cấp lô hàng;
- Thời gian, địa điểm giao nhận;
- Thông tin về lô hàng (tên/ chủng loại, khối lượng, mã số nhận diện);
b) Đối với lô hàng sản xuất: Thông tin về lô hàng sản xuất tại từng công đoạn (thời gian sản xuất, tên/ chủng loại, khối lượng, mã số nhận diện lô hàng/mẻ hàng);
c) Đối với lô hàng giao:
- Tên, địa chỉ và mã số (nếu có) của cơ sở tiếp nhận lô hàng;
- Thời gian, địa điểm giao nhận;
- Thông tin về lô hàng (chủng loại, khối lượng, mã số nhận diện);
2.1.2. Thông tin tối thiểu phải lưu trữ cho mục đích truy xuất tại mỗi cơ sở nhập khẩu thực phẩm nông lâm sản:
Đối với từng lô hàng nông lâm sản nhập khẩu: ngoài các quy định tại Điểm a và Điểm c nêu tại Mục 2.1.1 Phụ lục này, cơ sở phải lưu trữ thêm thông tin về cơ sở sản xuất, nước xuất khẩu.
2.1.3. Hệ thống quản lý dữ liệu, mã hóa các thông tin truy xuất nguồn gốc phải được lưu trữ bằng phương tiện phù hợp đảm bảo thuận lợi cho việc tra cứu và thời gian tối thiểu phải lưu trữ hồ sơ được quy định như sau:
a) 06 (sáu) tháng đối với thực phẩm nông lâm sản tươi sống;
b) 02 (hai) năm đối với thực phẩm nông lâm sản đông lạnh, chế biến;
2.2. Cung cấp thông tin:
Khi tiến hành cung cấp, phân phối lô hàng giao, cơ sở phải cung cấp các thông tin để phục vụ truy xuất nguồn gốc nêu tại Mục 2.1.1 Phụ lục này cho cơ sở tiếp nhận lô hàng giao.
3. Trình tự thủ tục truy xuất nguồn gốc:
Cơ sở thực hiện hoạt động truy xuất như sau:
3.1. Khi phát hiện lô hàng sản xuất/lô hàng giao không đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc khi tiếp nhận yêu cầu truy xuất;
3.2. Đánh giá sự cần thiết phải thực hiện truy xuất nguồn gốc;
3.3. Nhận diện lô hàng sản xuất/ lô hàng giao cần truy xuất thông qua hồ sơ lưu trữ.
3.4. Nhận diện các công đoạn sản xuất liên quan đến lô hàng sản xuất/lô hàng giao phải thực hiện truy xuất nguồn gốc;
3.5. Xác định nguyên nhân và công đoạn mất kiểm soát;
3.6. Đề xuất các biện pháp xử lý;
3.7. Lập báo cáo kết quả truy xuất sau khi kết thúc quá trình truy xuất lô hàng sản xuất/ lô hàng giao.
4. Thu hồi và xử lý sản phẩm:
4.1. Thiết lập thủ tục thu hồi sản phẩm:
a) Thiết lập các kế hoạch thu hồi sản phẩm;
b) Áp dụng thử nghiệm và phê duyệt hiệu lực các kế hoạch thu hồi sản phẩm.
4.2. Trình tự thủ tục thu hồi và xử lý sản phẩm:
a) Tiếp nhận yêu cầu thu hồi và xử lý;
b) Đánh giá sự cần thiết phải thực hiện việc thu hồi và xử lý;
c) Lập kế hoạch thu hồi (dựa trên kế hoạch mẫu đã được phê duyệt hiệu lực) trình lãnh đạo phê duyệt;
d) Tổ chức thực hiện việc thu hồi theo kế hoạch đã được phê duyệt.
đ) Áp dụng biện pháp xử lý theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra giám sát.
e) Lập báo cáo về kết quả thu hồi, biện pháp xử lý đối với lô hàng giao bị thu hồi và lưu trữ hồ sơ. Trong trường hợp lô hàng bị thu hồi ảnh hưởng đến các cơ sở trong chuỗi sản xuất kinh doanh sản phẩm, cơ sở có báo cáo gửi cơ quan kiểm tra, giám sát.