Thuộc tính văn bản

Thu gọn
Số/Ký hiệu Quyết định 1500/QĐ-TCHQ 2016
Ngày ban hành 24/05/2016
Ngày có hiệu lực 01/06/2016
Ngày hết hiệu lực
Người ký Vũ Ngọc Anh
Trích yếu Quy trình giám sát tại khu vực giám sát hải quan cảng biển
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Loại văn bản Quyết định
Căn cứ ban hành văn bản Luật 54/2014/QH13 Luật Hải quan Nghị định 08/2015/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Hải quan Thông tư 38/2015/TT-BTC Thủ tục hải quan, thuế, quản lý thuế đối với hàng hóa XNK
Văn bản triển khai, hướng dẫn
Văn bản bị sửa đổi
Văn bản bị sửa đổi bởi
Văn bản bị bãi bỏ Phần V, Quy trình giám sát hải quan ban hành kèm theo Quyết định 1966/QĐ-TCHQ(2015); Quyết định 2495/QĐ-TCHQ ngày 24/8/2015 Quy trình thí điểm tại cảng Nam Hải Đình Vũ, Hải Phòng.
Văn bản bị bãi bỏ bởi
Văn bản được hợp nhất
Văn bản được hợp nhất bởi

Nội dung văn bản

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1500/QĐ-TCHQ

Hà Nội, ngày 24 tháng 05 năm 2016

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy trình giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đưa vào, lưu giữ, đưa ra

khu vực giám sát hải quan tại cảng biển thực hiện Điều 41 Luật Hải quan

 

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

 

Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi Tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

Căn cứ Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

Căn cứ Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày 17/12/2015 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đưa vào, lưu giữ, đưa ra khu vực giám sát hải quan tại cảng biển thực hiện Điều 41 Luật Hải quan.

 

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2016 và bãi bỏ:

a) Phần V Quy trình giám sát hải quan ban hành kèm Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2015 của Tổng cục Hải quan tại Chi cục Hải quan cảng biển đáp ứng được Điều kiện kết nối hệ thống thông tin quản lý hàng hóa của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi với hệ thống thông quan điện tử của cơ quan Hải quan.

b) Quy trình thí Điểm thực hiện giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đưa vào, lưu giữ, đưa ra khu vực giám sát hải quan tại cảng Nam Hải Đình Vũ thuộc Cục Hải quan TP Hải Phòng ban hành kèm Quyết định số 2495/QĐ-TCHQ ngày 24/8/2015 của Tổng cục Hải quan.

 

Điều 3. Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài chính:
+ Lãnh đạo Bộ (để b/c);
+ Vụ CST, Vụ PC (để phối hợp);
- Lãnh đạo TCHQ (đ
chỉ đạo);
- Lưu: VT, GSQL(03 b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG



Vũ Ngọc Anh

 

 

QUY TRÌNH

GIÁM SÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU ĐƯA VÀO, LƯU GIỮ,

ĐƯA RA KHU VỰC GIÁM SÁT HẢI QUAN TẠI CẢNG BIỂN THỰC HIỆN ĐIỀU 41 LUẬT HẢI QUAN
(ban hành kèm theo Quyết định số 1500/QĐ-TCHQ ngày 24/5/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

 

Phần I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi áp dụng.

1. Quy trình này hướng dẫn thực hiện giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh (sau đây gọi tắt là “hàng hóa XNK”) đưa vào, lưu giữ, đưa ra khu vực giám sát hải quan tại cảng biển theo quy định tại Điều 41 Luật Hải quan, Điều 34 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Điều 52 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

2. Quy trình này áp dụng tại các cảng biển đáp ứng được Điều kiện kết nối hệ thống thông tin quản lý hàng hóa của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi với hệ thống thông quan điện tử (sau đây gọi tắt là “hệ thống”) của cơ quan Hải quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

Căn cứ quy định tại Điều 41 Luật Hải quan, Điều 34 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Điều 52 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, đối tượng áp dụng tại Quy trình này bao gồm:

1. Cán bộ, công chức hải quan;

2. Người khai hải quan đối với hàng hóa XNK đưa vào, lưu giữ, đưa ra khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu cảng biển;

3. Cán bộ, nhân viên doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi (sau đây gọi tắt là “doanh nghiệp kinh doanh cảng”) tại cửa khẩu cảng biển;

Điều 3. Phương thức kết nối hệ thống thông tin quản lý hàng hóa của doanh nghiệp cảng với hệ thống của cơ quan Hải quan.

Doanh nghiệp kinh doanh cảng lựa chọn một trong hai hoặc cả hai phương thức kết nối, trao đổi thông tin hàng hóa đủ Điều kiện qua khu vực giám sát với cơ quan Hải quan như sau:

1. Phương thức kết nối, trao đổi theo gói dữ liệu: Hệ thống của cơ quan Hải quan thông báo cho doanh nghiệp kinh doanh cảng danh sách container đủ Điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu qua khu vực giám sát hải quan.

2. Phương thức kết nối, trao đổi theo lô hàng: Hệ thống của doanh nghiệp kinh doanh cảng gửi yêu cầu (request) từng lô hàng, hệ thống của cơ quan Hải quan phản hồi xác nhận Điều kiện qua khu vực giám sát hải quan theo tiêu chí:

a) Yêu cầu và phản hồi theo số hiệu container nếu hàng hóa chuyên chở bằng container;

b) Yêu cầu và phản hồi theo số tờ khai đối với hàng hóa chuyên chở bằng Container và đối với hàng rời, hàng lẻ, hàng lỏng (sau đây gọi tắt là “hàng rời”).

Điều 4. Thời Điểm xác nhận hàng qua khu vực giám sát hải quan.

1. Hàng hóa xuất khẩu được xác nhận qua khu vực giám sát hải quan khi:

a) Người khai hải quan hoặc người vận chuyển hoàn thành các thủ tục theo quy định tại Điều 6 dưới đây với doanh nghiệp kinh doanh cảng; và

b) Kết thúc việc xếp hàng hóa lên phương tiện vận tải xuất cảnh (thời Điểm “get out - đưa ra” do doanh nghiệp kinh doanh cảng xác nhận).

2. Hàng hóa nhập khẩu được xác nhận qua khu vực giám sát hải quan khi:

a) Người khai hải quan hoặc người vận chuyển hoàn thành các thủ tục theo quy định tại Điều 7 dưới đây với doanh nghiệp kinh doanh cảng; và

b) Hàng hóa đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan (thời Điểm “get out - đưa ra” do doanh nghiệp kinh doanh cảng xác nhận).

Điều 5. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng.

1. Định kỳ theo tuần, theo tháng hoặc đột xuất, căn cứ tình hình thực tế tại Chi cục Hải quan, căn cứ thông tin quản lý rủi ro và các nguồn thông tin khác, Chi cục Hải quan có trách nhiệm rà soát, so sánh, đối chiếu thông tin trên hệ thống thông tin emanifest, thông tin về lượng hàng hóa XNK đưa vào, đưa ra, lưu giữ trong cảng do doanh nghiệp kinh doanh cảng cung cấp với thông tin xác nhận hàng qua khu vực giám sát hải quan do doanh nghiệp kinh doanh cảng thực hiện. Trường hợp phát hiện sai sót trong công tác giám sát hải quan do doanh nghiệp kinh doanh cảng thực hiện, kịp thời báo cáo Cục Hải quan, Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn giải quyết.

2. Chi cục Hải quan bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát trong địa bàn hoạt động hải quan theo quy định.

 

Phần II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

 

Điều 6. Giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu.

1. Người khai hải quan hoặc người vận chuyển thực hiện:

Xuất trình giấy giới thiệu để chứng minh là người đại diện hợp pháp của người khai hải quan và thực hiện:

a) Đối với lô hàng phải niêm phong hải quan:

a.1) Xuất trình hàng hóa và Biên bản bàn giao (nếu có) hoặc tờ khai phê duyệt vận chuyển độc lập cho công chức hải quan để kiểm tra tình trạng bên ngoài và niêm phong hải quan của lô hàng;

a.2) Cung cấp thông tin theo quy định tại Khoản 1 Điều 52 Thông tư 38/2015/TT-BTC hoặc số hiệu container hoặc số tờ khai (đối với hàng rời) cho doanh nghiệp kinh doanh cảng;

a.3) Đối với lô hàng xuất khẩu khai hải quan bằng tờ khai hải quan giấy và hàng hóa quy định tại Điểm d.3 Khoản 2 Điều 52 Thông tư 38/2015/TT-BTC, hàng hóa đã đưa vào khu vực giám sát hải quan nhưng thay đổi cảng xuất: xuất trình tờ khai hải quan giấy hoặc các chứng từ theo quy định cho Chi cục Hải quan.

b) Đối với lô hàng không phải niêm phong hải quan:

Thực hiện theo Điểm a.2, Điểm a.3 Khoản 1 Điều này.

2. Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện:

a) Đối với lô hàng phải niêm phong hải quan:

a.1) Thực hiện kiểm tra tình trạng bên ngoài và niêm phong hải quan của lô hàng; xác nhận trên Biên bản bàn giao và thực hiện hồi báo hoặc xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định;

a.2) Xác nhận trên hệ thống thông qua chức năng “Xác nhận đã kiểm tra niêm phong”;

a.3) Đối với lô hàng xuất khẩu khai hải quan bằng tờ khai hải quan giấy và hàng hóa quy định tại Điểm d.3 Khoản 2 Điều 52 Thông tư 38/2015/TT-BTC, hàng hóa đã đưa vào khu vực giám sát hải quan nhưng thay đổi cảng xuất: Sau khi thực hiện các công việc cho phép hàng hóa xuất khẩu, Chi cục Hải quan cập nhật danh sách hàng hóa trên hệ thống thông qua chức năng số 2. Chứng từ đủ Điều kiện qua KVGS (HQ nhập); in danh sách hàng hóa cho người khai hải quan để xuất trình cho doanh nghiệp cảng nơi hàng hóa xuất khẩu.

b) Đối với lô hàng không phải niêm phong hải quan:

Thực hiện theo Điểm a.2, Điểm a.3 Khoản 2 Điều này.

3. Doanh nghiệp kinh doanh cảng thực hiện:

Sau khi tiếp nhận Danh sách container theo mẫu số 29/DSCT/GSQL Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC (sau đây gọi là Danh sách container) hoặc Danh sách hàng hóa theo mẫu số 30/DSHH/GSQL Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC (sau đây gọi là Danh sách hàng hóa) hoặc Danh sách hàng hóa theo mẫu số 07/DSHHG/GSQL ban hành kèm Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ hoặc số hiệu container hoặc số tờ khai hải quan từ người khai hải quan hoặc người vận chuyển, nhân viên doanh nghiệp kinh doanh cảng kiểm tra thông tin trên Danh sách container, Danh sách hàng hóa.

a) Nội dung kiểm tra:

a.1) Đối với hàng hóa chuyên chở bằng container: Kiểm tra, đối chiếu về số hiệu container, số lượng container từ danh sách container do người khai hải quan hoặc người vận chuyển cung cấp/xuất trình với thông tin trên hệ thống do cơ quan Hải quan cung cấp.

a.2) Đối với hàng lỏng, hàng rời, hàng lẻ: Kiểm tra thông tin về số lượng kiện, trọng lượng hàng, lượng hàng từ thông tin trên danh sách hàng hóa do người khai hải quan hoặc người vận chuyển cung cấp/xuất trình với thông tin trên hệ thống do cơ quan Hải quan cung cấp.

b) Xử lý kết quả kiểm tra:

b.1) Nếu danh sách container, danh sách hàng hóa do người khai hải quan hoặc người vận chuyển xuất trình được hệ thống của cơ quan Hải quan xác nhận đủ Điều kiện qua khu vực giám sát hải quan:

b.1.1) Thực hiện theo quy trình của doanh nghiệp kinh doanh cảng để cho phép xếp hàng hóa lên phương tiện vận tải xuất khẩu;

b.1.2) Kết thúc việc xếp hàng hóa lên phương tiện vận tải để xuất khẩu (thời Điểm “get out - đưa ra”), phản hồi thông tin lên hệ thống để hệ thống tự động xác nhận hàng qua khu vực giám sát hải quan;

b.2) Nếu danh sách container, danh sách hàng hóa do người khai hải quan hoặc người vận chuyển xuất trình chưa được hệ thống của cơ quan Hải quan xác nhận đủ Điều kiện qua khu vực giám sát hải quan:

b.2.1) Không cho phép hàng hóa xuất khẩu;

b.2.2) Thông báo ngay cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng liên quan để phối hợp xử lý theo quy định.

Lưu ý: Trường hợp hàng hóa phải niêm phong hải quan, khi kiểm tra thông tin trên hệ thống, những lô hàng chưa có xác nhận đã kiểm tra niêm phong, trên hệ thống sẽ có cảnh báo. Doanh nghiệp kinh doanh cảng thông báo ngay cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng liên quan để phối hợp xử lý.

b.3) Đối với các trường hợp phải hủy xác nhận trên hệ thống như doanh nghiệp kinh doanh cảng sau khi xác nhận phát hiện có tờ khai trùng số container đã xác nhận, hoặc hàng hóa sau khi được xác nhận không xuất khẩu nữa: Doanh nghiệp kinh doanh cảng thông báo ngay cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng để công chức hải quan thực hiện hủy xác nhận thông qua chức năng hủy xác nhận trên hệ thống.

Điều 7. Giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu.

1. Người khai hải quan hoặc người vận chuyển thực hiện:

Xuất trình giấy giới thiệu để chứng minh là người đại diện hợp pháp của người khai hải quan và thực hiện:

a) Đối với lô hàng phải niêm phong hải quan:

a.1) Xuất trình hàng hóa cho công chức hải quan để thực hiện niêm phong hải quan theo quy định;

a.2) Cung cấp thông tin chứng từ theo quy định tại Khoản 2 Điều 52 Thông tư 38/2015/TT-BTC hoặc số hiệu container hoặc số tờ khai hải quan (đối với hàng rời) cho doanh nghiệp kinh doanh cảng;

a.3) Đối với lô hàng nhập khẩu vận chuyển độc lập: Cung cấp thông tin danh sách container hoặc danh sách hàng hóa của tờ khai vận chuyển độc lập lên hệ thống của cơ quan Hải quan;

a.4) Đối với lô hàng nhập khẩu khai hải quan bằng tờ khai hải quan giấy và hàng hóa theo quy định tại Điểm d Khoản 2, Khoản 6, Khoản 7 Điều 52 Thông tư 38/2015/TT-BTC: Xuất trình tờ khai hải quan giấy hoặc các chứng từ theo quy định cho Chi cục Hải quan.

b) Đối với lô hàng không phải niêm phong hải quan:

Thực hiện theo Điểm a.2, Điểm a.3, Điểm a.4 Khoản 1 Điều này.

2. Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện:

a) Đối với lô hàng phải niêm phong hải quan:

a.1) Kiểm tra thông tin tờ khai trên hệ thống; thực hiện niêm phong hải quan; lập Biên bản bàn giao và theo dõi, tiếp nhận hồi báo theo quy định đối với lô hàng đủ Điều kiện qua khu vực giám sát hải quan;

a.2) Xác nhận trên hệ thống thông qua chức năng “Xác nhận niêm phong hàng hóa”;

a.3) Đối với lô hàng nhập khẩu khai hải quan bằng tờ khai hải quan giấy và hàng hóa theo quy định tại Điểm d Khoản 2, Khoản 6, Khoản 7 Điều 52 Thông tư 38/2015/TT-BTC: Sau khi thực hiện các công việc cho phép hàng hóa đưa ra khu vực giám sát hải quan, Chi cục Hải quan cập nhật danh sách hàng hóa trên hệ thống thông qua chức năng cập nhật danh sách hàng hóa; in danh sách cho người khai hải quan để xuất trình cho doanh nghiệp cảng.

b) Đối với lô hàng không phải niêm phong hải quan:

Thực hiện theo Điểm a.2, Điểm a.3 Khoản 2 Điều này.

3. Doanh nghiệp kinh doanh cảng thực hiện:

Sau khi tiếp nhận Danh sách container hoặc Danh sách hàng hóa hoặc Danh sách hàng hóa theo mẫu số 07/DSHHG/GSQL ban hành kèm Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ hoặc số hiệu container hoặc số tờ khai hải quan từ người khai hải quan, doanh nghiệp kinh doanh cảng kiểm tra, đối chiếu thông tin trên Danh sách container/Danh sách hàng hóa đủ Điều kiện qua khu vực giám sát hải quan trên hệ thống với Danh sách container, Danh sách hàng hóa do người khai hải quan hoặc người vận chuyển cung cấp hoặc xuất trình và thực tế tình trạng bên ngoài (số hiệu container đối với hàng hóa chuyên chở bằng container, số kiện hàng đối với hàng rời) hàng hóa nhập khẩu đưa ra cảng theo nguyên tắc là chỉ cho phép hàng hóa đủ Điều kiện qua khu vực giám sát hải quan được đưa ra cảng.

a) Nội dung kiểm tra:

a.1) Đối với hàng hóa chuyên chở bằng container: Kiểm tra, đối chiếu về số hiệu container, số lượng container từ danh sách container do người khai hải quan hoặc người vận chuyển cung cấp/xuất trình với thông tin trên hệ thống do cơ quan Hải quan cung cấp: Các thông tin này trên hệ thống, trên Danh sách container và thực tế hàng hóa đưa ra cảng phải phù hợp với nhau;.

a.2) Đối với hàng lỏng, hàng rời, hàng lẻ: Kiểm tra thông tin về số lượng kiện, trọng lượng hàng, lượng hàng từ thông tin trên danh sách hàng hóa do người khai hải quan hoặc người vận chuyển cung cấp/xuất trình với thông tin trên hệ thống do cơ quan Hải quan cung cấp: Các thông tin này trên hệ thống, trên Danh sách hàng hóa và thực tế hàng hóa đưa ra cảng phải phù hợp với nhau;

a.3) Kiểm tra, đối chiếu số vận tải đơn trên danh sách container hoặc danh sách hàng hóa hoặc danh sách hàng hóa kèm Thông báo phê duyệt khai báo vận chuyển (nếu có) với số vận tải đơn trên Phiếu giao container/Phiếu giao hàng do doanh nghiệp kinh doanh cảng phát hành cho người khai hải quan.

b) Xử lý kết quả kiểm tra:

b.1) Nếu kết quả kiểm tra phù hợp:

b.1.1) Cho phép đưa hàng ra khỏi khu vực giám sát hải quan;

b.1.2) Sau khi hàng hóa đưa ra khu vực giám sát hải quan (thời Điểm “get out - đưa ra”), phản hồi thông tin lên hệ thống để hệ thống tự động xác nhận hàng qua khu vực giám sát hải quan;

b.2) Nếu kết quả kiểm tra không phù hợp:

Thông báo ngay cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng liên quan để:

b.2.1) Công chức hải quan thực hiện hủy xác nhận trên Hệ thống (trong trường hợp đã xác nhận);

b.2.2) Phối hợp xử lý theo quy định.

Lưu ý: Trường hợp hàng hóa phải niêm phong hải quan, khi kiểm tra thông tin, những lô hàng chưa có xác nhận đã niêm phong trên hệ thống sẽ có cảnh báo. Doanh nghiệp kinh doanh cảng thông báo ngay cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng liên quan để phối hợp xử lý.

c) Đối với các trường hợp phải hủy xác nhận trên hệ thống như doanh nghiệp kinh doanh cảng sau khi xác nhận phát hiện có tờ khai trùng số container đã xác nhận, hoặc hàng hóa sau khi được xác nhận không nhập khẩu nữa: Doanh nghiệp kinh doanh cảng thông báo ngay cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng để công chức hải quan thực hiện hủy xác nhận thông qua chức năng hủy xác nhận trên hệ thống.

Điều 8. Xử lý trong một số trường hợp đặc thù.

1. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu đóng chung container không chia tách trong cảng mà được đưa nguyên container ra khỏi khu vực giám sát hải quan (gồm cả trường hợp hàng đóng chung container của nhiều chủ hàng hoặc hàng đóng chung container của 01 chủ hàng nhưng nhiều tờ khai theo các loại hình khác nhau).

a) Trách nhiệm của người khai hải quan hoặc người vận chuyển: Ngoài những nội dung thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Quy trình này, người khai hải quan hoặc người vận chuyển có trách nhiệm thông báo cho doanh nghiệp kinh doanh cảng đầy đủ các tờ khai chung container khi thực hiện thủ tục đưa hàng ra khỏi cảng.

b) Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng.

b.1) Thực hiện nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 7 Quy trình này;

b.2) Căn cứ danh sách container do người khai hải quan hoặc người vận chuyển xuất trình, danh sách container do cơ quan Hải quan thông báo đủ Điều kiện qua khu vực giám sát hải quan, đối chiếu với chứng từ giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp kinh doanh cảng để yêu cầu người khai hoặc người vận chuyển thông báo đầy đủ các tờ khai chung container khi thực hiện thủ tục đưa hàng ra khỏi cảng.

b.3) Kịp thời thông báo cho Chi cục Hải quan cảng có liên quan trong trường hợp phát hiện người khai hải quan hoặc người vận chuyển thông báo không đầy đủ các tờ khai chung container.

b.4) Chỉ cho phép người khai hải quan hoặc người vận chuyển đưa hàng ra khỏi khu vực giám sát hải quan khi đầy đủ các tờ khai chung container đã hoàn thành thủ tục hải quan.

c) Trách nhiệm của Chi cục Hải quan:

c.1) Thực hiện nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 7 Quy trình này;

c.2) Trường hợp nhận được nhận được thông tin của doanh nghiệp kinh doanh cảng theo Điểm b.3 Khoản 1 Điều này và phát hiện hàng hóa chung container chưa làm thủ tục hải quan được đưa ra cảng, Chi cục Hải quan thực hiện xử lý vi phạm theo quy định.

2. Xử lý khi hệ thống gặp sự cố.

a) Trường hợp hệ thống gặp sự cố, không thể kết nối thông tin giữa doanh nghiệp kinh doanh cảng và cơ quan hải quan.

a.1) Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng.

a.1.1) Thông báo ngay cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng liên quan để phối hợp xử lý và ghi nhận lại tình trạng Hệ thống kết nối có sự cố vào sổ để theo dõi và cập nhật.

a.1.2) Căn cứ Danh sách hàng hóa đủ Điều kiện qua khu vực giám sát hải quan trên các chứng từ có ký tên, đóng dấu công chức hải quan hoặc thông tin hàng hóa đủ Điều kiện qua khu vực giám sát hải quan do công chức hải quan cập nhập trên Hệ thống của doanh nghiệp kinh doanh cảng (trường hợp công chức hải quan sử dụng Hệ thống của doanh nghiệp kinh doanh cảng) để cho phép hàng hóa xuất khẩu được xếp lên phương tiện vận tải xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu đưa ra khu vực giám sát hải quan.

a.1.3) Chia sẻ thông tin cho cơ quan hải quan ngay sau khi Hệ thống được khắc phục.

a.2) Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu:

Ngay sau khi nhận được thông báo của doanh nghiệp kinh doanh cảng về Hệ thống gặp sự cố, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng liên quan có trách nhiệm:

a.2.1) Kịp thời bố trí cán bộ thực hiện việc kiểm tra, giám sát hàng hóa XNK theo quy định tại Phần V Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

a.2.2) Phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh cảng ghi nhận lại tình trạng Hệ thống có sự cố vào sẻ; Kịp thời báo cáo Cục Hải quan tỉnh, thành phố về tình trạng sự cố.

 

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 9. Trách nhiệm của các bên.

1. Trách nhiệm của cơ quan Hải quan:

a) Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan.

a.1) Chủ trì kiểm tra, hướng dẫn triển khai thực hiện Quy trình này; đề xuất xử lý vướng mắc phát sinh (nếu có) trình Lãnh đạo Tổng cục Hải quan;

a.2) Chủ trì, phối hợp Cục Công nghệ thông tin và thống kê Hải quan và Cục Hải quan có liên quan trình Tổng cục Hải quan phê duyệt hồ sơ kết nối công nghệ thông tin giữa doanh nghiệp kinh doanh cảng và cơ quan Hải quan.

b) Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê Hải quan.

b.1) Chủ trì đảm bảo Hệ thống kết nối hoạt động ổn định, đảm bảo tính bảo mật hệ thống; xử lý khi hệ thống gặp sự cố.

b.2) Chủ trì thực hiện kết nối công nghệ thông tin giữa doanh nghiệp kinh doanh cảng và cơ quan Hải quan sau khi hồ sơ kết nối được phê duyệt.

b.3) Công bố chuẩn dữ liệu phương thức kết nối, trao đổi thông tin tờ khai hải quan đủ Điều kiện qua khu vực giám sát với cơ quan Hải quan theo các phương án quy định tại Điều 3 Quy trình này.

c) Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố có cửa khẩu cảng biển.

c.1) Chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý hàng hóa XNK, kết nối với hệ thống thông quan điện tử của cơ quan Hải quan để thực hiện Quy trình này; báo cáo Tổng cục Hải quan danh sách doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi đủ Điều kiện triển khai thực hiện.

c.2) Chỉ đạo, đôn đốc Chi cục Hải quan liên quan triển khai thực hiện Quy trình này; kịp thời báo cáo, đề xuất vướng mắc phát sinh để được hướng dẫn xử lý.

d) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng biển.

d.1) Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh cảng thực hiện kết nối, trao đổi thông tin giữa hệ thống của doanh nghiệp kinh doanh cảng và hệ thống của cơ quan Hải quan quy định tại Điều 4 Quy trình này.

d.2) Cung cấp các chứng từ theo quy định tại Quy trình này đối với trường hợp hàng hóa XNK đưa vào, đưa ra cảng không thực hiện thủ tục hải quan trên hệ thống (như thực hiện thủ tục bằng hồ sơ giấy, hàng tịch thu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, hàng nhập khẩu đề nghị được tái xuất …).

d.3) Tiếp nhận, khai thác và bảo mật thông tin do doanh nghiệp cảng cung cấp phục vụ hoạt động nghiệp vụ.

d.4) Bố trí cán bộ phối hợp cùng doanh nghiệp kinh doanh cảng kiểm tra trên hệ thống hàng hóa XNK đưa vào, đưa ra khu vực cảng khi hệ thống gặp sự cố hoặc khi có đề nghị của doanh nghiệp cảng.

d.5) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng trong việc thực hiện kiểm tra hàng hóa XNK đưa vào, lưu giữ, đưa ra khu vực giám sát hải quan theo Quy trình này.

d.6) Kiểm tra tình trạng niêm phong hải quan và hồi báo biên bản bàn giao đối với hàng hóa xuất khẩu phải niêm phong hải quan. Kiểm tra, niêm phong và lập biên bản bàn giao đối với những lô hàng nhập khẩu phải niêm phong.

d.7) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

e) Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu.

e.1) Phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng biển trong việc xác nhận lô hàng qua khu vực giám sát hải quan theo quy định.

e.2) Đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các bước trong việc tiếp nhận hồ sơ, phê duyệt khai báo vận chuyển, kiểm tra danh sách container (hàng hóa) khai báo trên hệ thống, xác nhận niêm phong hàng hóa, in danh sách container (hàng hóa)... theo quy định tại quy trình 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2015 và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.

2. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng:

Thực hiện theo quy định tại Điều 41 Luật Hải quan, Điều 34 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Điều 52 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, cụ thể như sau:

a) Hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý hàng hóa để thực hiện kết nối, trao đổi thông tin với hệ thống của cơ quan Hải quan theo đúng quy định tại Điều 41 Luật Hải quan.

b) Ngay sau khi có hàng hóa XNK đưa vào, lưu giữ, đưa ra khu vực cảng: thực hiện cung cấp thông tin lượng hàng hóa (đối với hàng rời), lượng container hàng hóa XNK (gồm số lượng và số hiệu container đối với hàng hóa chuyên chở bằng Container) qua cảng; vị trí, thời gian lô hàng hóa, container đưa vào, lưu giữ, đưa ra cảng cho cơ quan Hải quan;

c) Tiếp nhận, bảo mật thông tin tờ khai hải quan hàng hóa XNK đủ Điều kiện qua khu vực giám sát hải quan và các thông tin khác do cơ quan Hải quan cung cấp.

d) Kiểm tra, đối chiếu thông tin hàng hóa XNK thuộc tờ khai hải quan đã được cơ quan Hải quan cung cấp với thực tế hàng hóa XNK để cho phép xếp hàng hóa lên phương tiện vận tải xuất khẩu hoặc cho phép hàng hóa nhập khẩu đưa ra khu vực giám sát hải quan.

đ) Kịp thời thông báo cho Chi cục Hải quan cảng liên quan khi hệ thống gặp sự cố hoặc khi phát hiện những vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan Hải quan để được hỗ trợ xử lý kịp thời, tránh ách tắc hàng hóa XNK.

3. Trách nhiệm của người khai hải quan hoặc người vận chuyển:

a) Thực hiện theo quy định tại Điều 52 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

b) Để đảm bảo công tác giám sát được chính xác, nhanh chóng, trường hợp hàng hóa XNK chuyên chở bằng container phải khai báo số hiệu container theo đúng chuẩn dữ liệu, khai báo bằng chữ in hoa, phần tiếp đầu ngữ và phần số container phải viết liền; khai báo đầy đủ nếu có tờ khai chung container khi thực hiện thủ tục đưa hàng ra khỏi cảng.