Thuộc tính văn bản

Thu gọn
Số/Ký hiệu Thông tư 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC
Ngày ban hành 07/12/2012
Ngày có hiệu lực 22/01/2013
Ngày hết hiệu lực
Người ký Nguyễn Cẩm Tú
Trích yếu Hướng dẫn xử lý VPHC về kinh doanh rượu, thuốc lá nhập lậu
Cơ quan ban hành Bộ Công Thương
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Căn cứ ban hành văn bản Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002; Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2008; Nghị định 06/2009/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá; Nghị định 76/2010/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định số 06/2009/NĐ-CP.
Văn bản triển khai, hướng dẫn
Văn bản bị sửa đổi
Văn bản bị sửa đổi bởi
Văn bản bị bãi bỏ
Văn bản bị bãi bỏ bởi
Văn bản được hợp nhất
Văn bản được hợp nhất bởi

Nội dung văn bản

BỘ CÔNG THƯƠNG - BỘ CÔNG AN - BỘ TƯ PHÁP 
BỘ Y TẾ - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC

Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2012

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm
thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu
 

Căn cứ Bộ luật Hình sự năm 1999; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2009;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, Nghị định số 112/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại;

Căn cứ Nghị định số 06/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá;

Căn cứ Nghị định số 76/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 Sửa đổi, bổ sung Điều 11 Nghị định số 06/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá;

Căn cứ Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu;

Căn cứ Nghị định số 119/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh thuốc lá;

Căn cứ Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện; Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện;

Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Y tế, Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu; xử lý tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu.

2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư liên tịch này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá nhập lậu, nguyên liệu thuốc lá nhập lậu là việc thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán buôn, bán lẻ, trưng bày, chào bán trên mạng internet, trao đổi hàng hóa, vận chuyển, chở thuê, giao, nhận, mang, vác, tàng trữ, chứa chấp, cho thuê hay mượn kho, cho thuê hay mượn địa điểm để chứa rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá nhập lậu, nguyên liệu thuốc lá nhập lậu.

2. Rượu nhập lậu là rượu thành phẩm, rượu bán thành phẩm có nguồn gốc sản xuất từ nước ngoài, không có đủ hoá đơn chứng từ theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA ngày 12 tháng 5 năm 2011 của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an hướng dẫn về chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BCT-BTC-BCA).

3. Sản phẩm thuốc lá nhập lậu là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và các dạng sản phẩm khác dùng để hút, nhai, ngửi có nguồn gốc sản xuất từ nước ngoài, không có đủ hoá đơn chứng từ theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BCT-BTC-BCA.

4. Nguyên liệu thuốc lá nhập lậu là thuốc lá dưới dạng lá rời, lá đã sơ chế tách cọng hoặc thuốc lá sợi, thuốc lá tấm, cọng thuốc lá và các chế phẩm thay thế khác dùng để sản xuất ra các sản phẩm thuốc lá có nguồn gốc từ nước ngoài, không có đủ hoá đơn chứng từ theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BCT-BTC-BCA.

5. Đơn vị sản phẩm là chai, bình, lọ, thùng, hộp, bịch, túi và các vật dụng khác chứa đựng rượu nhập lậu.

Điều 4. Xử lý vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu

1. Đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 8, khoản 9 Điều 11a Nghị định số 06/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 76/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 (gọi tắt là Nghị định số 06/2009/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung), trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện dấu hiệu tội phạm, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phát hiện hoặc thụ lý vụ vi phạm phải chuyển giao toàn bộ hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự .

Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền xét thấy hành vi vi phạm không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm mà có dấu hiệu vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải ra quyết định trả lại hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan hoặc người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phải gửi trả hồ sơ vụ vi phạm đó cùng với quyết định cho cơ quan hoặc người có thẩm quyền xử phạt.

2. Tổ chức, cá nhân vận chuyển, chở thuê, giao, nhận, mang, vác, tàng trữ, chứa chấp, cho thuê kho, cho thuê địa điểm để chứa rượu nhập lậu thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 112/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 06/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung).

3. Phương tiện dùng để vận chuyển rượu nhập lậu bị tịch thu, xử lý theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung.

4. Rượu nhập lậu bị tịch thu, xử lý theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư liên tịch này.

Điều 5. Xử lý rượu nhập lậu bị tịch thu

1. Rượu nhập lậu bị tịch thu trong một vụ vi phạm buộc phải tiêu hủy trong các trường hợp sau:

a) Không có nhãn hiệu, không xác định được nhà sản xuất;

b) Có số lượng dưới 100 (một trăm) đơn vị sản phẩm;

c) Có số lượng từ 100 (một trăm) đơn vị sản phẩm trở lên được giám định theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư này nhưng có tối thiểu 01 (một) đơn vị sản phẩm trên tổng số mẫu được giám định có thành phần, chỉ tiêu, hàm lượng không phù hợp với thành phần, chỉ tiêu, hàm lượng tương ứng của sản phẩm rượu đối chứng cùng loại do nhà sản xuất chính thống cung cấp, hoặc không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng của Việt Nam hoặc không phù hợp với quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm (trong trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng) thì bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

2. Rượu nhập lậu được bán đấu giá nếu toàn bộ số mẫu giám định theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư này có thành phần, chỉ tiêu, hàm lượng phù hợp với thành phần, chỉ tiêu, hàm lượng tương ứng của sản phẩm rượu đối chứng cùng loại do nhà sản xuất chính thống cung cấp và phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng của Việt Nam hoặc phù hợp với quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm (trong trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng). Trình tự thủ tục thực hiện việc bán đấu giá, kinh phí thu được phải thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Phương pháp tiêu huỷ:

Rượu nhập lậu và các vật dụng chứa đựng bị tịch thu, tiêu hủy hoàn toàn theo phương pháp phù hợp với quy định của pháp luật về môi trường.

4. Cơ quan tiêu huỷ :

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vụ việc thành lập hội đồng tiêu hủy, tổ chức việc tiêu hủy hoặc giao cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện tiến hành tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Giám định chất lượng rượu nhập lậu bị tịch thu

Việc giám định chất lượng rượu nhập lậu để làm căn cứ xử lý được thực hiện theo quy trình sau:

1. Lấy mẫu giám định:

a) Đối với vụ vi phạm có số lượng rượu nhập lậu bị tịch thu từ 100 (một trăm) đơn vị sản phẩm trở lên và tất cả các sản phẩm rượu có cùng ký mã hiệu, cùng chủng loại, cùng dung tích, cùng nhãn hiệu, cùng nhà máy sản xuất; được đóng gói thống nhất như nhau, có hình thức bên ngoài (kiểu dáng, màu sắc chai, lọ, bình) nhãn sản phẩm, nắp chai, tem nhập khẩu, các dấu hiệu riêng của nhà sản xuất giống nhau và không bị trầy xước, hư hỏng, không có dấu hiệu tái sử dụng thì tỷ lệ lấy mẫu để giám định ít nhất là 05% số lượng rượu bị tịch thu;

b) Phương pháp lấy mẫu: mẫu rượu để giám định sẽ được lấy ngẫu nhiên, khách quan, trung thực trong số rượu bị tịch thu của cùng một vụ vi phạm;

c) Cơ quan, tổ chức tiến hành tổ chức lấy mẫu: Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật và đang thụ lý vụ việc sẽ tiến hành lấy mẫu theo phương pháp trên đúng quy định của pháp luật, có sự chứng kiến của người vi phạm hoặc đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan khác theo quy định trong thủ tục xử lý vi phạm hành chính hoặc thủ tục tố tụng tương ứng khác. Đại diện chủ nhãn hiệu hoặc người nhập khẩu, người kinh doanh có thể được mời tham gia chứng kiến việc lấy mẫu giám định.

2. Căn cứ đối chứng để giám định rượu nhập lậu bị tịch thu là tiêu chuẩn chất lượng rượu cùng loại, cùng nhãn hiệu của nhà sản xuất chính thống và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng của Việt Nam, hoặc quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm (trong trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng).

3. Kết quả giám định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải xác định cụ thể các thành phần, chỉ tiêu và hàm lượng của mẫu rượu giám định và có kết luận phù hợp hoặc không phù hợp với tiêu chuẩn của nhà sản xuất và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng của Việt Nam, hoặc quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm (trong trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng).

Điều 7. Xử lý vi phạm về kinh doanh sản phẩm thuốc lá nhập lậu

1. Đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 9, khoản 10 Điều 11b Nghị định số 06/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện dấu hiệu tội phạm, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phát hiện hoặc thụ lý vụ vi phạm phải chuyển giao toàn bộ hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự .

Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền xét thấy hành vi vi phạm không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm mà có dấu hiệu vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải ra quyết định trả lại hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan hoặc người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phải gửi trả hồ sơ vụ vi phạm đó cùng với quyết định cho cơ quan hoặc người có thẩm quyền xử phạt.

2. Đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu, việc xác định số lượng làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự cụ thể như sau:

a) Số lượng từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao được coi là số lượng lớn;

b) Số lượng từ 4.500 bao đến dưới 13.500 bao được coi là có số lượng rất lớn;

c) Số lượng từ 13.500 bao trở lên được coi là có số lượng đặc biệt lớn.

3. Xử lý tang vật vi phạm:

a) Sản phẩm thuốc lá bị tiêu huỷ theo quy định pháp luật hiện hành;

b) Phương tiện vận chuyển sản phẩm thuốc lá nhập lậu bị xử lý theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung.

Điều 8. Xử lý vi phạm về kinh doanh nguyên liệu thuốc lá nhập lậu.

1. Đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 9, khoản 10 Điều 11c Nghị định số 06/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện dấu hiệu tội phạm, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phát hiện hoặc thụ lý vụ vi phạm phải chuyển giao toàn bộ hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự .

Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền xét thấy hành vi vi phạm không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm mà có dấu hiệu vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải ra quyết định trả lại hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan hoặc người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phải gửi trả hồ sơ vụ vi phạm đó cùng với quyết định cho cơ quan hoặc người có thẩm quyền xử phạt.

2. Xử lý tang vật, phương tiện vi phạm:

a) Đối với vụ việc vi phạm có số lượng nguyên liệu thuốc lá đồng nhất (cùng lô hàng, cùng xuất xứ, cùng quy cách bao gói, bao bì, chủng loại) có số lượng từ 2.000 kilôgram trở lên đảm bảo chất lượng sau khi có kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền thì được tổ chức bán đấu giá xung công quỹ nhà nước theo quy định hiện hành cho các nhà máy có giấy phép sản xuất thuốc lá.

b) Tiêu huỷ theo quy định của pháp luật đối với nguyên liệu thuốc lá có số lượng dưới 2.000 kilôgram.

c) Tiêu hủy đối với số lượng thuốc lá không đồng nhất không phụ thuộc số lượng ;

d) Tiêu hủy đối với nguyên liệu thuốc lá đồng nhất có số lượng từ 2000 kilôgram trở lên nhưng không đảm bảo chất lượng;

e) Phương tiện vận chuyển nguyên liệu thuốc lá nhập lậu bị xử lý theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 01 năm 2013.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, khó khăn các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về đầu mối là Bộ Công Thương để chỉ đạo, hướng dẫn./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG



Phạm Quý Ngọ

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG



Hoàng Thế Liên

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG THƯƠNG
THỨ TRƯỞNG



Nguyễn Cẩm Tú

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG



Nguyễn Thị Xuyên

KT. CHÁNH ÁN
TANDTC
PHÓ CHÁNH ÁN



Đặng Quang Phương

KT. VIỆN TRƯỞNG
VKSNDTC
PHÓ VIỆN TRƯỞNG



Hoàng Nghĩa Mai

 
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Sở Công Thương, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ;
- Lưu: Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, VKSNDTC, TANDTC.