Thuộc tính văn bản

Thu gọn
Số/Ký hiệu Thông tư 91/2003/TT-BTC
Ngày ban hành 25/09/2003
Ngày có hiệu lực 17/10/2003
Ngày hết hiệu lực 02/01/2021
Người ký Trương Chí Trung
Trích yếu Hướng dẫn việc dán tem hàng nhập khẩu
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Loại văn bản Thông tư
Căn cứ ban hành văn bản Luật Hải quan ngày 29/6/2001; Nghị định 101/2001/NĐ-CP qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan; Nghị định 107/2002/NĐ-CP qui định phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; phòng, chống buôn lậu.
Văn bản triển khai, hướng dẫn
Văn bản bị sửa đổi
Văn bản bị sửa đổi bởi
Văn bản bị bãi bỏ
Văn bản bị bãi bỏ bởi Thông tư 100/2020/TT-BTC Bãi bỏ 37 văn bản pháp luật Bộ Tài chính và liên bộ ban hành trong lĩnh vực hải quan
Văn bản được hợp nhất
Văn bản được hợp nhất bởi

Nội dung văn bản

BỘ TÀI CHÍNH
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-------------------

Số: 91/2003/TT-BTC

Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 2003

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc dán tem hàng nhập khẩu
 

Căn cứ Luật Hải quan ngày 29/6/2001,
Căn cứ Nghị định 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan,
Căn cứ Nghị định 107/2002/NĐ-CP ngày 23/12/2002 của Chính phủ qui định phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; quan hệ phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan,
Căn cứ Nghị định 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính,
Căn cứ Chỉ thị số 853/1997/CT-TTg ngày 11/10/1997 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới,
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1862/VPCP-V.I ngày 18/4/2003 của Văn phòng Chính phủ,
Bộ Tài Chính hướng dẫn việc dán tem hàng hoá nhập khẩu như sau:

1. Hàng hoá thuộc danh mục mặt hàng phải dán tem hàng nhập khẩu (sau đây gọi là hàng hoá phải dán tem) khi nhập khẩu đều phải dán tem hàng nhập khẩu.

Danh mục mặt hàng phải dán tem được qui định tại các Thông tư Liên tịch số: 77/1997/TTLT/BTC-BTM-BNV-TCHQ ngày 01/11/1997, số 30/1998/TTLT/BTC-BTM-BNV-TCHQ ngày16/3/1998, số 121/1998/TTLT/BTC-BTM-BCA-TCHQ ngày 01/9/1998, số 46/1999/TTLT/BTC-BTM-BCA-TCHQ ngày 05/5/1999 của Liên tịch Bộ Tài Chính- Bộ Thương Mại- Bộ Công An - Tổng cục Hải quan (Phụ lục 1- kèm Thông tư này).

Hàng hoá của đối tượng ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, nếu được miễn kiểm tra thực tế, thì không phải dán tem. Chủ hàng phải chịu trách nhiệm thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt nam về việc nhập khẩu, tiêu thụ hàng nhập khẩu.

2. Hàng hoá phải dán tem không được miễn kiểm tra thực tế hàng hoá khi làm thủ tục hải quan để nhập khẩu.

3. Hàng hoá phải dán tem chỉ được thông quan sau khi chủ hàng đã dán tem (theo đúng quy định tại các Thông tư Liên tịch dẫn trên) cho toàn bộ lô hàng.

4. Căn cứ số lượng hàng do người khai hải quan khai, Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu cho lô hàng cấp đủ tem cho chủ hàng.

Chủ hàng phải tổ chức dán tem tại nơi kiểm tra thực tế hàng hoá dưới sự giám sát của công chức Hải quan.

Việc dán tem phải đảm bảo tem đã dán thì không thể bóc ra để sử dụng lại được. Chủ hàng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu dán tem không đảm bảo đúng yêu cầu này.

5. Nhiệm vụ của công chức Hải quan giám sát việc dán tem:

- Phải giám sát chặt chẽ trong suốt thời gian chủ hàng thực hiện việc dán tem.

- Phải kiểm tra lại việc dán tem của chủ hàng, nếu phát hiện chiếc tem nào dán không đúng quy định thì yêu cầu chủ hàng dán lại.

- Có trách nhiệm xem xét và xử lý số tem bị rách, bị hỏng trong khi dán và lượng tem thừa, thiếu theo qui định tại các Thông tư Liên tịch dẫn trên.

6. Thủ tục chuyển cửa khẩu đối với hàng nhập khẩu phải dán tem:

- Điều kiện, thủ tục chuyển cửa khẩu thực hiện theo quy định tại Quyết định số 53/2003/QĐ-BTC ngày 16/4/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài Chính về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu.

- Ngay sau khi làm xong thủ tục chuyển cửa khẩu cho lô hàng, Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập có trách nhiệm thông báo cho Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh, thành phố trên tuyến đường từ cửa khẩu về địa điểm làm tiếp thủ tục cho lô hàng, để phối hợp giám sát và cho Chi cục Hải quan làm thủ tục cho lô hàng, để theo dõi, tiếp nhận.

- Nhận được thông báo của Cơ quan Hải quan Chi cục Quản lý Thị trường địa phương có liên quan phải tổ chức giám sát các lô hàng trên theo chỉ đạo của thủ tướng chính phủ tại văn bản 1862/VPCP-V.I ngày 18/4/2003.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Bãi bỏ qui định "Cơ quan Hải quan thực hiện việc dán tem hàng nhập khẩu; nghiêm cấm việc giao tem cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự dán" tại 4 Thông tư Liên tịch dẫn trên.

Các nội dung khác tại 4 Thông tư Liên tịch dẫn trên vẫn được tiếp tục thực hiện.

 

Trương Chí Trung

 

(Đã ký)

 

DANH MỤC

MẶT HÀNG PHẢI DÁN TEM NHẬP KHẨU
(Theo qui định tại các Thông tư Liên tịch số: 77/1997/TTLT-BTC-BTM-BNV- ngày 01/11/1997; 30/TTLT-BTC-BTM-BNV-TCHQ ngày 16/03/1998; 121/1998/TTLT-BTC-BTM-BCA-TCHQ ngày 01/9/1998; 46/1999/TTLT-BTC-BTM-BCA-TCHQ ngày 05/05/1999 của Liên tịch Bộ Tài Chính- Bộ Thương Mại- Bộ Công An(Bộ Nội Vụ)- Tổng cục Hải quan)

 

1. Rượu chai (bao gồm cả hũ, bình).

2. Xe đạp nguyên chiếc.

3. Quạt điện các loại.

4. Máy thu hình nguyên chiếc(cũ và mới).

5. Đầu Video nguyên chiếc (cũ và mới).

6. Tủ lạnh nguyên chiếc dùng cho gia đình (cũ và mới).

7. Máy điều hoà không khí loại lắp vào cửa sổ hoặc lắp vào tường hoạt động độc lập(cũ và mới).

8. Động cơ nổ (cũ và mới).

9. Sứ vệ sinh: Bệ xí.

10. Sứ vệ sinh: Chậu rửa mặt.

11. Gạch ốp lát các loại nguyên bao bì bao gồm cả gạch ốp tường và gạch lát nền.

12. Máy bơm nước điện các loại.

13. Bếp ga các loại.

14. Nồi cơm điện các loại.

15. Khung xe đạp.

16. Phích và ruột nóng lạnh các loại.

17. Động cơ nổ cùng với máy công tác thành các máy hoàn chỉnh, đồng bộ.