Thuộc tính văn bản

Thu gọn
Số/Ký hiệu Thông tư 18/2018/TT-BKHCN
Ngày ban hành 18/12/2018
Ngày có hiệu lực 15/02/2019
Ngày hết hiệu lực
Người ký Trần Văn Tùng
Trích yếu Hướng dẫn Nghị định 119/2017/NĐ-CP về xử phạt VPHC về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Loại văn bản Thông tư
Căn cứ ban hành văn bản Nghị định 119/2017/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Văn bản triển khai, hướng dẫn
Văn bản bị sửa đổi
Văn bản bị sửa đổi bởi
Văn bản bị bãi bỏ Thông tư 19/2014/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định 80/2013/NĐ-CP xử phạt VPHC tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng
Văn bản bị bãi bỏ bởi
Văn bản được hợp nhất
Văn bản được hợp nhất bởi

Nội dung văn bản

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2018/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2018

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ

quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa

 

n cứ Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây viết tắt là Nghị định số 119/2017/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định tại Chương III Nghị định số 119/2017/NĐ-CP.

3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt

1. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012 (sau đây viết tắt là Luật Xử lý vi phạm hành chính).

2. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ quy định tại Chương III Nghị định số 119/2017/NĐ-CP phải buộc tổ chức, cá nhân chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Việc buộc chấm dứt hành vi vi phạm được thể hiện trong biên bản thanh tra, kiểm tra hoặc biên bản vi phạm hành chính.

3. Người có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm hành chính về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định tại các Điều 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40 và 41 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không đủ thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm trình hoặc chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền xử phạt để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Xác định giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm; giá trị sản phẩm hàng hóa đã tiêu thụ

1. Xác định giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm thực hiện theo quy định tại Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc xác định tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định số 119/2017/NĐ-CP và tính theo công thức sau:

Tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm

=

lượng sản phẩm, hàng hóa vi phạm phát hiện được tại thời điểm thanh tra, kiểm tra

x

giá sản phẩm, hàng hóa vi phạm

(Tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm bằng lượng sản phẩm, hàng hóa vi phạm phát hiện được tại thời điểm thanh tra, kiểm tra nhân với giá sản phẩm, hàng hóa vi phạm).

2. Xác định giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ để xác định khung tiền phạt quy định tại các Điều 17, 18, 19 và 20 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP thực hiện theo quy định tại Điều 13b Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ.

Điều 5. Xác định số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính

Xác định số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính quy định tại khoản 5 Điều 8, điểm b khoản 7 Điều 10, khoản 3 Điều 14, khoản 3 Điều 15, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường (sau đây viết tắt là Nghị định số 86/2012/NĐ-CP).

Điều 6. Kết luận về sai số của phương tiện đo và sai số của phép đo

Kết luận về sai số của phương tiện đo và sai số của phép đo chỉ có giá trị pháp lý khi được thực hiện bởi một trong các tổ chức, cá nhân sau đây:

1. Kiểm định viên đo lường được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chứng nhận và cấp thẻ.

2. Thanh tra viên khoa học và công nghệ; người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

3. Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về đo lường.

4. Cơ quan quản lý nhà nước về đo lường; cơ quan kiểm tra nhà nước về đo lường.

5. Tổ chức kiểm định được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định kiểm định phương tiện đo.

 

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

 

Mục 1. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ ĐO LƯỜNG

Điều 7. Hành vi vi phạm và hình thức xử phạt trong sản xuất phương tiện đo quy định tại Điều 6 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất phương tiện đo nhưng không ghi, khắc đơn vị đo hoặc ghi, khắc đơn vị đo không theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 86/2012/NĐ-CP.

2. Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều 6 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất phương tiện đo có đặc tính kỹ thuật đo lường bị thay đổi so với đặc tính kỹ thuật đo lường của mẫu phương tiện đo đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phê duyệt.

3. Tước quyền sử dụng quyết định phê duyệt mẫu phương tiện đo quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là việc người có thẩm quyền quy định tại các Điều 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40 và 41 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ra quyết định tước quyền sử dụng quyết định phê duyệt mẫu từ 01 tháng đến 03 tháng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP.

Thủ tục tước quyền sử dụng quyết định phê duyệt mẫu phương tiện đo thực hiện theo quy định tại Điều 80 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 8. Hành vi vi phạm trong nhập khẩu phương tiện đo quy định tại Điều 7 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 nhưng không có quyết định phê duyệt mẫu phương tiện đo của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

2. Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều 7 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phương tiện đo có đặc tính kỹ thuật đo lường bị thay đổi so với đặc tính kỹ thuật đo lường của mẫu phương tiện đo đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phê duyệt.

Điều 9. Hành vi vi phạm trong buôn bán phương tiện đo quy định tại Điều 9 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân buôn bán phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 nhưng không có hoặc không xuất trình với cơ quan có thẩm quyền chứng chỉ kiểm định hoặc chứng chỉ hiệu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 24/2013/TT-BKHCN ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường (sau đây viết tắt là Thông tư số 24/2013/TT-BKHCN) và khoản 2 Điều 4 Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 (sau đây viết tắt là Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN).

2. Hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân buôn bán phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 nhưng không có quyết định phê duyệt mẫu của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

3. Hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân buôn bán phương tiện đo có đặc tính kỹ thuật đo lường bị thay đổi so với đặc tính kỹ thuật đo lường của mẫu phương tiện đo đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phê duyệt.

Điều 10. Hành vi vi phạm và hình thức xử phạt trong sử dụng phương tiện đo nhóm 2 quy định tại Điều 10 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân khi sử dụng phương tiện đo nhóm 2 không có chứng chỉ kiểm định (tem, dấu, giấy chứng nhận kiểm định) phù hợp quy định tại Thông tư số 24/2013/TT-BKHCN.

2. Hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo nhóm 2 theo quy định phải được kiểm định định kỳ bằng hình thức kiểm định đối chứng nhưng tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo này không thực hiện kiểm định tại tổ chức kiểm định được chỉ định kiểm định đối chứng.

3. Hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 6 Điều 10 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP thực hiện như sau:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm quy định tại điểm a khoản 6 Điều 10 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là việc người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu phương tiện đo đang được tổ chức, cá nhân sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Thủ tục tịch thu, xử lý tang vật, phương tiện đo vi phạm bị tịch thu thực hiện theo quy định tại Điều 81, Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính;

b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh quy định tại điểm b khoản 6 Điều 10 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là việc người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa quyết định tước quyền và ghi trong quyết định xử phạt.

Thủ tục tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thực hiện theo quy định tại Điều 80 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

4. Buộc thu hồi chứng chỉ kiểm định hoặc hiệu chuẩn đã hết hiệu lực quy định tại điểm a khoản 7 Điều 10 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là việc người có thẩm quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm tự thu hồi chứng chỉ kiểm định hoặc hiệu chuẩn phương tiện đo đang sử dụng đã hết hiệu lực.

5. Một số điểm cần lưu ý khi áp dụng Điều 10 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP để xử phạt:

a) Giá trị của phương tiện đo để làm căn cứ xác định khung phạt, thẩm quyền xử phạt được tính trên giá trị của 01 hoặc nhiều phương tiện đo được sử dụng để thực hiện cùng một hành vi vi phạm;

b) Việc xử phạt các hành vi liên quan đến hiệu chuẩn trong sử dụng phương tiện đo nhóm 2 quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 10 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP được áp dụng với các phương tiện đo phải hiệu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN.

Điều 11. Hành vi vi phạm về đo lường đối với phép đo nhóm 2 quy định tại Điều 14 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo không bảo đảm điều kiện theo quy định để người có quyền và nghĩa vụ liên quan giám sát, kiểm tra việc thực hiện phép đo, phương pháp đo, phương tiện đo, lượng hàng hóa, dịch vụ.

Ví dụ 1: Không bảo đảm đầy đủ và sẵn sàng các ca đong, bình đong, ống đong; chia độ tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN ngày 25 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (sau đây viết tắt là Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN), Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Ví dụ 2: Tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc không sử dụng tổ chức, cá nhân khác có năng lực thực hiện kiểm tra định kỳ (trường hợp tổ chức, cá nhân không có khả năng tự thực hiện kiểm tra) phương tiện đo, hệ thống đo, điều kiện thực hiện phép đo của tổ chức, cá nhân đó; không lưu giữ hồ sơ kiểm tra định kỳ phương tiện đo, hệ thống đo, điều kiện thực hiện phép đo theo quy định tương ứng tại khoản 5 Điều 6 Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN hoặc quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường.

2. Hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân không tuân thủ hoặc không bảo đảm sự phù hợp về yêu cầu kỹ thuật đo lường của phương tiện đo, điều kiện đo, sai số phép đo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Ví dụ: Người thực hiện phép đo khối lượng trong thương mại bán lẻ không tuân thủ một trong những yêu cầu quy định tại Điều 4 Thông tư số 09/2017/TT-BKHCN ngày 27 tháng 6 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phép đo khối lượng trong thương mại bán lẻ.

Điều 12. Hành vi vi phạm về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn trong sản xuất, nhập khẩu, buôn bán quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 và điểm a khoản 1 Điều 16 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu hoặc buôn bán hàng đóng gói sẵn không ghi lượng của hàng đóng gói sẵn trên bao bì hoặc nhãn hàng hóa hoặc có ghi nhưng không đúng yêu cầu kỹ thuật về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn; không ghi, khắc hoặc ghi, khắc không đúng quy định về đơn vị đo quy định tại Nghị định số 86/2012/NĐ-CP.

2. Hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 và điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu hoặc buôn bán hàng đóng gói sẵn có lượng danh định in, dán hoặc gắn trực tiếp trên hàng đóng gói sẵn hoặc trên bao bì hoặc nhãn của hàng đóng gói sẵn không phù hợp với lượng danh định ghi trong tài liệu đi kèm, hoặc ghi lượng danh định không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân công bố đối với hàng đóng gói sẵn nhóm 1 hoặc do cơ quan có thẩm quyền quy định đối với hàng đóng gói sẵn nhóm 2.

3. Hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 15 và khoản 2 Điều 16 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu hàng đóng gói sẵn mà lượng của hàng đóng gói sẵn có giá trị trung bình nhỏ hơn giá trị trung bình cho phép quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN ngày 15 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn.

 

Mục 2. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ TIÊU CHUẨN QUY CHUẨN KỸ THUẬT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA

Điều 13. Hành vi vi phạm về công bố tiêu chuẩn áp dụng quy định tại Điều 17 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân khi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa không thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định tại Điều 23 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

2. Hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân khi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật phải xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nhưng tổ chức, cá nhân đó không xây dựng và áp dụng hoặc không thực hiện đúng theo yêu cầu của hệ thống quản lý chất lượng đã công bố áp dụng hoặc không áp dụng tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng nhưng công bố áp dụng.

Điều 14. Hành vi vi phạm về hợp chuẩn quy định tại Điều 18 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP

Hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn mà tổ chức, cá nhân đó đã công bố hợp chuẩn.

Điều 15. Hành vi vi phạm về hợp quy quy định tại Điều 19 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP

Hành vi không sử dụng dấu hợp quy quy định tại điểm c khoản 3 Điều 19 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng quy định phải gắn dấu hợp quy. Không áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa phải công bố hợp quy nhưng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng không quy định gắn dấu hợp quy như: xăng, nhiên liệu điêzen, khí hóa lỏng LPG.

Điều 16. Hành vi vi phạm về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường quy định tại Điều 20 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP

1. Tổ chức, cá nhân bán hàng hóa không công bố tiêu chuẩn áp dụng hoặc hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn được công bố áp dụng hoặc nội dung tiêu chuẩn công bố áp dụng không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền thì áp dụng quy định tại Điều 17 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP để xử phạt.

2. Hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân bán hàng hóa chưa được nhà sản xuất, nhập khẩu công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định.

Áp dụng khoản 3 Điều 20 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP để xử phạt trong trường hợp tổ chức, cá nhân bán hàng không phải là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa đó.

Điều 17. Hành vi cung cấp thông tin không trung thực, sai sự thật, về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP

Hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, buôn bán sản phẩm, hàng hóa có một trong các vi phạm sau đây:

1. Cung cấp thông tin trên nhãn hàng hóa không phù hợp với hồ sơ công bố về tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng hoặc không đúng với chất lượng thực tế của sản phẩm, hàng hóa.

2. Cung cấp thông tin trên giấy tờ giao dịch, biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoặc các đại lý bán sản phẩm, hàng hóa của tổ chức, cá nhân đó các sản phẩm, hàng hóa đã được công bố hợp chuẩn, hợp quy hoặc được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy hoặc có áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất nhưng thực tế sản phẩm, hàng hóa này không thực hiện công bố hợp chuẩn, hợp quy hoặc chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, không áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất.

3. Cung cấp thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng sai sự thật, không trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

 

Mục 3. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ NHÃN HÀNG HÓA VÀ MÃ SỐ MÃ VẠCH

Điều 18. Hành vi vi phạm về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa theo tính chất hàng hóa quy định tại Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa mà nhãn hàng hóa không ghi đủ hoặc ghi không đúng một trong các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn tùy theo tính chất hàng hóa quy định tại Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Trừ trường hợp, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng chưa có nhãn phụ khi làm thủ tục thông quan. Tổ chức, cá nhân phải hoàn thiện ghi nhãn trước khi đưa hàng hóa ra lưu thông trên thị trường.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả “buộc tiêu hủy hàng hóa có nhãn vi phạm” quy định tại khoản 8 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP áp dụng trong trường hợp nhãn hàng hóa vi phạm không thể tách rời khỏi hàng hóa.

Điều 19. Hành vi vi phạm về sử dụng mã số mã vạch quy định tại Điều 32 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa không thực hiện thủ tục gia hạn mà vẫn tiếp tục sử dụng mã số mã vạch đó cho sản phẩm, hàng hóa khi giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch hết hiệu lực.

2. Hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 32 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân sử dụng mã số nước ngoài cho sản phẩm, hàng hóa sản xuất, gia công hoặc bao gói tại Việt Nam mà không thông báo bằng văn bản, kèm theo tài liệu chứng minh việc sử dụng mã số nước ngoài cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

3. Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 32 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi cửa tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tự ý gắn mã số mã vạch có đầu mã Quốc gia Việt Nam (893) lên trước mã số mã vạch in trên nhãn hàng hóa mà chưa được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch.

4. Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 32 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, bao gói, sang chiết sản phẩm, hàng hóa để xuất khẩu theo hợp đồng hoặc yêu cầu của khách hàng nước ngoài đã thực hiện đúng việc ghi nhãn hàng hóa, trên nhãn có gắn mã số mã vạch của tổ chức, cá nhân nước ngoài nhưng chưa được cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp hoặc chưa được tổ chức nước ngoài là chủ sở hữu mã số mã vạch cho phép.

5. Hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 32 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch nhưng đã sử dụng các dấu hiệu gây nhầm lẫn với mã số mã vạch để gian lận, đánh lừa người tiêu dùng hiểu nhầm tổ chức, cá nhân đó đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc Tổ chức mã số mã vạch quốc tế cấp.

Điều 20. Hành vi vi phạm về sử dụng giấy chứng nhận, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch quy định tại Điều 33 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP

1. Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức không có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch nhưng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch cho tổ chức, cá nhân sản xuất nhập khẩu, buôn bán hàng hóa.

2. Hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 33 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, buôn bán hàng hóa sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch không phải do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc Tổ chức mã số mã vạch quốc tế cấp.

 

Mục 4. THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ ÁP DỤNG BIỂU MẪU ĐỂ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 21. Thẩm quyền, thủ tục xử phạt của Thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ quy định tại Điều 34 và Điều 43 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP

1. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ quy định tại khoản 1 Điều 34 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP bao gồm: Thanh tra viên đang công tác tại Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ; người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

2. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Khoa học và Công nghệ; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở Khoa học và Công nghệ và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được sử dụng dấu của cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra khi ban hành văn bản để áp dụng các biện pháp thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

3. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

a) Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thực hiện theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP.

b) Trường hợp Trưởng đoàn kiểm tra chuyên ngành về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; công chức, viên chức đang thi hành công vụ khi phát hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thì được quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Cơ quan ban hành quyết định kiểm tra hoặc cơ quan quản lý công chức, viên chức đã lập biên bản vi phạm hành chính phải kịp thời hoàn thiện hồ sơ chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ chuyển vụ việc vi phạm hành chính gồm: công văn của cơ quan chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính; quyết định kiểm tra hoặc văn bản cử công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ; biên bản kiểm tra; biên bản vi phạm hành chính (nếu có); các chứng cứ vi phạm hành chính, các văn bản nghiệp vụ khác.

Điều 22. Áp dụng biểu mẫu để xử lý vi phạm hành chính

1. Đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thì áp dụng biểu mẫu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra do Thanh tra Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

2. Những biểu mẫu khác trong xử phạt vi phạm hành chính thì áp dụng theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính và các quy định pháp luật liên quan.

 

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 23. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2019.

2. Thông tư số 19/2014/TT-BKHCN ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn tại Thông tư này sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định của văn bản mới được ban hành.

Điều 24. Trách nhiệm thực hiện

1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định tại Chương III Nghị định số 119/2017/NĐ-CP và tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu, hướng dẫn giải quyết./.

 

Nơi nhận:
- Thtướng Chính phủ, các Phó Thtướng Chính phủ;
- Các Bộ
, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc CP;
- HĐND
, UBND các tnh, thành phố trực thuộc TW;
- V
ăn phòng Tng Bí thư;
- Văn p
hòng Quốc hội;
- Văn ph
òng Chủ tịch nước;
- Tòa án nhân d
ân tối cao,
- Viện Ki
m sát nhân dân tối cao;
- Kim toán Nhà nước;
- S
KH&CN các tnh, thành phố trực thuộc TW
- Công báo VPCP;
- Cục Kiểm tra văn bản
QPPL Bộ Tư pháp:
- Lưu: VT. TTra
(5)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Tùng