Công ty có 70% vốn đầu tư nước ngoài. Theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP, công ty được nhập tất cả các mặt hàng không phải hàng cấm mà không cần giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, khi nhập mặt hàng không có trong danh sách mã HS trên giấy phép đầu tư, chúng tôi phải khai HQ theo hình thức A12, không được khai theo mã A41. Chúng tôi muốn hỏi nếu chúng tôi muốn nhập các mặt hàng không có mã HS trên GPDT và bán trực tiếp thì phải làm thế nào? Có phải đăng ký thêm mã HS vào GPDT không? |
Doanh nghiệp Việt Nam không có vốn đầu tư nước ngoài
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 69/2018/NĐ-CP có quy định về quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu như sau:
- Thương nhân Việt Nam không là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện các hoạt động khác có liên quan không phụ thuộc vào ngành, nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này; hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu khác theo quy định của pháp luật; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
- Chi nhánh của thương nhân Việt Nam được thực hiện hoạt động ngoại thương theo ủy quyền của thương nhân.
Theo đó doanh nghiệp không có vốn đầu tư nước ngoài được xuất khẩu, nhập khẩu không phụ thuộc vào ngành, nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, Doanh nghiệp cần thông báo ngành nghề kinh doanh với cơ quan nhà nước, như sau:
Quy định về đăng ký ngành nghề kinh doanh
Khoản 4, điều 49 “Thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh” của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015 của Chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp quy định:
“Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh với Phòng Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có thay đổi. Trường hợp có thay đổi mà doanh nghiệp không thông báo thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.”
Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư hiện hành được quy định tại nghị định số 50/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01 tháng 06 năm 2016, như sau:
“Điều 31. Vi phạm quy định về về việc thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 01 đến 30 ngày.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh các nội dung theo quy định đối với hành vi vi phạm tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.“
Do vậy, với mặt hàng doanh nghiệp chưa có trong đăng ký kinh doanh thì vẫn được phép xuất – nhập khẩu. Tuy nhiên, để thuận lợi cho các công việc hạch toán, làm việc với các cơ quan chức năng và tránh bị phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thì doanh nghiệp nên thông báo việc bổ sung ngành nghề kinh doanh trong thời hạn quy định.
Tại sao doanh nghiệp vốn nước ngoài vẫn phải đăng ký ngành nghề kinh doanh xuất nhập khẩu?
Căn cứ Điều 6, 7 Nghị định 09/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định:
“Điều 6. Các trường hợp không phải cấp Giấy phép kinh doanh
1. Ngoài các hoạt động thuộc trường hợp phải cấp Giấy phép kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế thuộc trường hợp quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư được quyền thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định này sau khi đăng ký thực hiện các hoạt động đó tại các giấy tờ có liên quan theo quy định của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp.
Điều 7. Thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa
2. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có quyền nhập khẩu, được nhập hàng hóa từ nước ngoài và khu vực hải quan riêng vào Việt Nam, theo các điều kiện sau:
Hàng hóa nhập khẩu không thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu; danh mục hàng hóa tạm ngừng nhập khẩu; danh mục hàng hóa không được quyền nhập khẩu trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
b) Đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải có giấy phép hoặc đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện hoạt động kinh doanh khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nếu đã có quyền nhập khẩu theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mới được quyền thực hiện các hoạt động liên quan đến quyền nhập khẩu.
Theo như ý kiến công ty nêu, công ty được phép nhập khẩu các loại hàng hóa phục vụ theo mục tiêu dự án đã đăng ký tại Giấy phép đầu tư liên quan ngành nghề được cấp. Riêng trường hợp nhập khẩu để thực hiện các quyền theo theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài thì phải có đăng ký với cơ quan cấp phép trước khi thực hiện.
Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn tốt nhất!