Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã điều tra giá cước vận tải leo thang trong những tháng gần đây, thì châu Âu vẫn im lặng, trước sự thất vọng của các chủ hàng.
Ủy ban châu Âu được yêu cầu hành động trước tình hình giá cước vận chuyển container tăng kỷ lục
Trong một bức thư chung được gửi tới Ban Giám đốc Cạnh tranh của Ủy ban Châu Âu ngày hôm qua, Hiệp hội Giao nhận Vận tải Châu Âu (CLECAT) và Hội đồng Chủ hàng Châu Âu (ESC) đã thông báo cho ủy ban về các vấn đề phát sinh từ các hoạt động đang diễn ra của các hãng vận tải. Hai tổ chức cho rằng các hãng vận tải đã vi phạm các hợp đồng hiện có, tạo ra các điều kiện bất hợp lý liên quan đến việc chấp nhận đặt chỗ (booking) và đơn phương áp mức giá cao hơn nhiều so với thỏa thuận trong hợp đồng.
Các hiệp hội sẽ họp với ủy ban trong những ngày tới, họ cho biết trong một thông cáo chung ngày hôm qua, "để chứng minh thêm hành vi gây thiệt hại của các hãng tàu đang gây ra đối với sự tăng trưởng thương mại vào thời điểm suy thoái kinh tế".
Trong 10 tuần cuối năm 2020, giá cước vận chuyển container từ châu Á đến châu Âu tăng gần gấp 4 lần, vượt quá 4.000 USD/TEU.
Giá cước vận chuyển container từ Thượng Hải sang Châu Âu tăng cao kỷ lục (Ảnh: Splash247)
Các đợt tăng giá cước vận tải tương tự đã khiến các nhà chức trách ở Bắc Kinh, Seoul, Washington DC và các nơi khác vào cuộc, triệu tập các giám đốc điều hành của các hãng tàu để thảo luận trong những tháng gần đây, trong khi châu Âu tránh bước vào cuộc chiến.
“Các hãng vận tải đã tự tạo cho mình khả năng thay đổi giá cước bất cứ khi nào họ thấy phù hợp, bất chấp các mức giá cước và phí cụ thể đã thỏa thuận trước đó. Các hãng vận tải đang tiếp tục tăng giá cước với phụ phí, tăng cước phí chung (GRI), v.v ... Tương tự, các chủ hàng và công ty giao nhận đang phải đối mặt với việc bị từ chối đặt chỗ và cho "rớt" hàng nếu các hãng vận tải thấy rằng họ sẽ có lợi hơn khi nhận lô hàng khác có mức giá cao hơn cho một chuyến tàu cụ thể. Các hành vi không được chấp nhận cũng bao gồm việc áp đặt phí bổ sung như là một mức giá mới cao hơn để được chấp nhận booking, chỉ đơn giản là từ chối chấp nhận đặt chỗ cho khách hàng, buộc các khách hàng dù có giá hợp đồng phải chuyển sang sử dụng giá giao ngay với mức giá cao hơn nhiều,” hai hiệp hội châu Âu đã tuyên bố hôm qua.
Hai cơ quan này cho rằng tình trạng thiếu container rỗng hiện nay xảy ra do số lượng chuyến tàu trống nhiều chưa từng có, lên tới 30% trên một số tuyến, cùng với đó là vấn đề thiếu độ tin cậy với việc trong năm 2020 chỉ có một nữa số chuyến tàu vận chuyển đến đúng ngày.
Đối mặt với nhiều lời chỉ trích, Hội đồng Vận tải Thế giới (World Shipping Council), nhóm vận động hành lang chính của các hãng tàu, cho biết vào tháng trước, để thấy trước được tình hình bất thường về vấn đề đặt chỗ của các hãng tàu là vượt quá khả năng của bất kỳ ai.
Trong một thông cáo có tựa đề 'Đánh giá cuộc khủng hoảng hàng hóa COVID', nhóm có trụ sở tại Washington DC tuyên bố: "Không ai có thể lên kế hoạch cho việc tăng giá đang gây căng thẳng cho thị trường vận tải container hiện nay, bởi vì nhu cầu thay đổi không giống như bất kỳ điều gì đã từng thấy.”
Trước những lời chỉ trích vì không thể cung cấp đủ container cho các nhà xuất khẩu, nhóm vận động hành lang phản bác: “Bây giờ không phải là lúc để đưa ra sự thay đổi mạnh mẽ đối với hệ thống hoặc quy trình. Thách thức đối với tất cả các bên là tìm cách làm cho hệ thống hiện tại hoạt động tốt hơn. Điều này đòi hỏi cần liên lạc liên tục giữa các nhà cung cấp dịch vụ và chủ hàng, và các hãng vận tải biển nhận ra vấn đề nào mà họ phải chịu trách nhiệm. Có nghĩa là cần phải tránh các hành động làm cho tình hình tồi tệ hơn, chẳng hạn như đặt chỗ ảo (booking ảo) hoặc lấy container không đúng hẹn ở cảng hoặc sử dụng các container để làm kho lưu trữ hàng hóa. Hệ thống sẽ trở lại trạng thái cân bằng tốt hơn, và chúng ta nói chung phải làm tốt hơn công việc quản lý của mình qua giai đoạn khủng hoảng."
Bình luận về các than phiền của các cơ quan quản lý vận tải và chủ hàng châu Âu, Lars Jensen của Công ty Tư vấn SeaIntelligence Consulting, đề xuất qua LinkedIn rằng vấn đề các hợp đồng đã ký mà không thực hiện cần phải được giải quyết.
“Đó là một vấn đề ám ảnh các chủ hàng ở các thị trường vận tải bị khan hiếm nguồn lực như chúng ta thấy hiện nay và cũng ám ảnh các hãng vận tải ở các thị trường nhu cầu yếu kém. Có vẻ như sự phát triển của một cấu trúc hợp đồng tốt hơn, có thể thực thi hai chiều sẽ là một con đường hữu ích trong tương lai,” Jensen viết.
Xem thêm: