Các chủ hàng chuẩn bị cho năm 2021 đang phải đối mặt với một kịch bản Logistics “vô tiền khoáng hậu”. Câu hỏi lớn nhất là họ sẽ phản ứng như thế nào?
Từ năm 2021, Hãng tàu sẽ nắm quyền định giá trong tay? (Ảnh: Nitoda)
Một loạt thay đổi lớn trong ngành hàng hải trong 5 năm vừa qua, nổi bật nhất là các thương vụ sát nhập, số lượng đặt chỗ thay đổi chóng mặt và khả năng thích ứng của các hãng tàu… Tất cả đã đẩy chủ hàng vào một vị trí không thể bất lợi hơn trong mặt trận “định giá”.
Chỉ trong vài năm trước, khi sức tải của hãng tàu vượt xa nhu cầu của khách, và hơn hết là các quy định và luật lệ thường được “nhắm mắt cho qua”, giá cước luôn được giữ ổn định trong một thời gian dài, khiến chủ hàng lầm tưởng rằng nó là một thực tế bất di bất dịch.
Nhưng mọi chuyện đã thay đổi chóng mặt vào năm nay, không một quy luật nào giữ được với thị trường thay đổi quá lớn đến như vậy, một số chuyên gia cho rằng giai đoạn 2021 – 2022 sẽ trở nên khó đoán hơn bao giờ hết, tất cả nhằm thiết lập một trạng thái “bình thường mới” cho ngành hàng hải.
Gordon Downes, Giám đốc điều hành của New York Shipping Exchange, cho biết: “Tôi tin rằng cán dao hiện đang nằm trong tay hãng tàu, họ đã chứng minh qua cách chi phối sức tải sao cho có lợi nhất. Nếu không có quy định nào can thiệp, sẽ không có lý do gì khiến hãng tàu quay trở lại như trước kia.”
Chủ hàng vẫn chưa sẵn sàng bước vào năm 2021
Downes cho biết: “Trước những động lực thị trường mới, một số chủ hàng mang tính sáng tạo sẽ áp dụng cách tiếp cận mới cho chiến lược vận chuyển đường biển. Tuy nhiên, đa phần chủ hàng sẽ áp dụng chiến thuật cũ: Đàm phán cho đến cùng để đạt được mức cước thấp nhất có thể, họ sẽ nhấn mạnh việc tôn trọng các thỏa thuận dịch vụ từ rất lâu và hy vọng điều tốt nhất sẽ xảy ra.”
Nhưng điều quan trọng là các hãng tàu sẽ tiếp tục giữ thế thượng phong bất chấp sự thay đổi của thị trường, họ có khả năng duy trì khối lượng vận tải cao như hiện tại cho đến hết năm 2021, hoặc nhanh chóng giảm tải như đã làm vào đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát.
Quản lý khối lượng vận tải trong thời gian thực dần trở thành một nguyên tắc hoạt động mới, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến xu hướng giảm tốc độ chạy của tàu (Slow steaming) được áp dụng vào khủng hoảng kinh tế 2008 và đã trở thành một thông lệ của ngày nay.
“Các hãng tàu đã quản lý khối lượng vận tải rất hiệu quả trong suốt đại dịch. Họ sẽ nhìn vào lợi nhuận đạt được và nghĩ: “Tại sao chúng ta phải quay lại mô hình trước đây?”” - theo Kurt McElroy, phó chủ tịch điều hành Apex Maritime.
Một số công ty Logistics lớn đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng tình hình hiện tại sẽ còn kéo dài đến năm 2021. Otto Schacht, trưởng bộ phận vận tải đường biển của Kuehne+Nagel, đã viết trên LinkedIn vào giữa tháng 11: “Tình hình chắc chắn sẽ không cải thiện trước Tết Nguyên đán. Các nhà nhập khẩu nên chuẩn bị tinh thần.”