I. Hồ sơ và thủ tục đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu
Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu
- Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật (theo mẫu quy định).
- Bản sao chụp hoặc bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của nước xuất khẩu.
Trường hợp chủ vật thể nộp bản sao chụp thì phải nộp bản chính trước khi được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa cho lô vật thể.
- Bản chính hoặc bản sao chứng thực Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu (trường hợp quy định phải có Giấy phép).
Thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu
Bước 1: Đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu
Chủ vật thể nộp (gửi) 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu tại cơ quan kiểm dịch thực vật hoặc qua bưu chính hoặc qua Cơ chế một cửa Quốc gia (trực tuyến).
Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ
Cơ quan kiểm dịch thực vật có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra ngay tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì yêu cầu chủ vật thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;
Bước 3: Kiểm tra vật thể
Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định địa điểm và bố trí công chức kiểm tra ngay lô vật thể theo trình tự sau đây:
a) Kiểm tra sơ bộ
Kiểm tra bên ngoài lô vật thể, bao bì đóng gói, phương tiện chuyên chở; khe, kẽ và những nơi sinh vật gây hại có thể ẩn nấp; thu thập côn trùng bay, bò hoặc bám bên ngoài lô vật thể.
b) Kiểm tra chi tiết
Kiểm tra bên trong và lấy mẫu lô hàng theo quy định tại QCVN 01-141:2013/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương pháp lấy mẫu kiểm dịch thực vật; thu thập các vật thể mang triệu chứng gây hại và sinh vật gây hại; phân tích giám định mẫu vật thể, sinh vật gây hại đã thu thập được.
Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật
a) Cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa (theo mẫu quy định) trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch đối với lô vật thể không bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ.
Trường hợp kéo dài hơn 24 giờ do yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật hoặc trường hợp không cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật thì cơ quan kiểm dịch thực vật phải thông báo hoặc trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch biết.
b)Trường hợp phát hiện lô vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định áp dụng các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật phù hợp theo quy định.
Trường hợp lô vật thể được vận chuyển bằng tàu biển có chiều cao khoang chứa hàng từ 3m trở lên, phải chia thành nhiều lớp để kiểm tra thì sau khi kiểm tra mỗi lớp, căn cứ vào kết quả kiểm tra, cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy tạm cấp kết quả kiểm dịch thực vật cho khối lượng vật thể đã kiểm tra (theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này).
c) Sau khi có Giấy tạm cấp kết quả, lô hàng được phép vận chuyển về kho bảo quản và chỉ được đưa ra sản xuất, kinh doanh sau khi được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa. Căn cứ kết quả kiểm tra toàn bộ lô vật thể, cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa cho lô vật thể.
Mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật
Hồ sơ, trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu vừa phải kiểm dịch thực vật vừa phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm
Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật và kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 Thông tư này và khoản 2 Điều 18 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm (sau đây gọi là Nghị định số 15/2018/NĐ-CP). Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật và kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục Ia ban hành kèm theo Thông tư này.
Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật và kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư này và Điều 19 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu theo mẫu quy định tại Phụ lục IIa ban hành kèm theo Thông tư này đối với lô hàng không bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ và đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm nhập khẩu.
Hồ sơ, trình tự thủ tục kiểm dịch thực vật và kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với lô hàng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc thực vật nhập khẩu vừa phải kiểm dịch thực vật vừa phải kiểm tra nhà nước về chất lượng
Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật và kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc thực vật nhập khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 Thông tư này và quy định pháp luật về thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật và kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc thực vật nhập khẩu thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục Ib ban hành kèm theo Thông tư này.
Trình tự thủ tục kiểm dịch thực vật và kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc thực vật nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư này và quy định pháp luật về thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. Chủ hàng (chủ vật thể) nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật và kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc thực vật nhập khẩu tại cơ quan kiểm dịch thực vật hoặc qua bưu chính hoặc qua Cơ chế một cửa Quốc gia (trực tuyến)
II. Hồ sơ và thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu
Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật xuất khẩu
- Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu (theo mẫu quy định).
- Bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu (trong trường hợp tái xuất khẩu).
Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu
Bước 1: Đăng ký kiểm dịch thực vật
Chủ vật thể nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ đăng ký cho cơ quan kiểm dịch thực vật nơi gần nhất.
Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ
Cơ quan kiểm dịch thực vật có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra ngay tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư này.
Bước 3: Kiểm tra vật thể
Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định địa điểm kiểm dịch tại cơ sở sản xuất, nơi xuất phát, nơi bảo quản ở sâu trong nội địa hoặc cửa khẩu xuất và bố trí công chức kiểm tra ngay lô vật thể.
Việc kiểm tra lô vật thể được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT.
Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật
Cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (Theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này) hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật tái xuất khẩu (Theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này) cho lô vật thể trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch đối với vật thể đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. Trường hợp kéo dài hơn 24 giờ do yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật thì cơ quan kiểm dịch thực vật phải thông báo hoặc trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật biết.
Trường hợp phát hiện lô vật thể không đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu thì Cơ quan kiểm dịch thực vật không cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đồng thời phải thông báo cho chủ vật thể biết.
III. Hồ sơ và thủ tục kiểm dịch thực vật quá cảnh
Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật quá cảnh
- Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật (theo mẫu quy định).
- Bản sao chụp hoặc bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do nước xuất khẩu cấp.
Trường hợp chủ vật thể nộp bản sao chụp thì phải nộp bản chính trước khi được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa cho lô vật thể.
- Bản chính hoặc bản sao chứng thực Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật quá cảnh
Bước 1: Đăng ký kiểm dịch thực vật
Chủ vật thể nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu tại cơ quan kiểm dịch thực vật.
Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ
Cơ quan kiểm dịch thực vật có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra ngay tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư này.
Bước 3: Kiểm tra vật thể
Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định địa điểm và bố trí công chức kiểm tra ngay lô vật thể theo trình tự sau đây:
a) Kiểm tra sơ bộ
Kiểm tra bên ngoài lô vật thể, bao bì đóng gói, phương tiện chuyên chở, khe, kẽ và những nơi sinh vật gây hại có thể ẩn nấp; thu thập côn trùng bay, bò hoặc bám bên ngoài lô vật thể.
b) Kiểm tra chi tiết
Kiểm tra tình trạng bao gói và độ nguyên vẹn của lô hàng; Phân tích giám định mẫu vật thể, sinh vật gây hại đã thu thập được.
Trường hợp tình trạng bao gói của lô vật thể không đảm bảo thì chủ vật thể phải bao gói lại.
Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật
Cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa cho lô vật thể trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch đối với lô vật thể đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật quá cảnh.
Trường hợp phát hiện lô vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ thì cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định áp dụng các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật phù hợp theo quy định.
IV. Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu
Vật thể phải thực hiện kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu.
1. Hom giống, cây giống, củ giống, cành ghép và mắt ghép quy định phải qua kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu theo kết quả phân tích nguy cơ dịch hại.
2. Sinh vật có ích
Số lượng nhập khẩu để thực hiện kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu
1. Hom; chồi giống, cây, củ: từ 30 đến 50 cá thể.
2. Cành, mắt ghép: từ 10 đến 20 cành.
3. Sinh vật có ích: Số lượng được quy định cụ thể trong báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại.
Nội dung kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu
1. Đối với giống cây trồng:
Kiểm tra sinh vật gây hại tiềm ẩn được xác định trong báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại.
2. Đối với sinh vật có ích:
Kiểm tra độ thuần, tính chuyên tính ký chủ trong khu nhân nuôi cách ly. Đối với côn trùng, nhện có ích còn kiểm tra thêm chỉ tiêu về ký sinh bậc 2.
Quy trình kiểm tra sau nhập khẩu trong khu cách ly
Bước 1: Kiểm tra ban đầu
Kiểm tra sơ bộ tình trạng của lô vật thể; ghi sổ các thông tin liên quan.
Bước 2: Kiểm tra lô vật thể
a) Đối với giống cây trồng
Toàn bộ lô vật thể được gieo trồng trong khu cách ly kiểm dịch thực vật. Điều kiện khu cách ly thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn;
Áp dụng phương pháp chăm sóc phù hợp đối với từng loại giống đảm bảo cây phát triển tốt và tạo điều kiện thuận lợi nhất để sinh vật gây hại biểu hiện triệu chứng;
Kiểm tra định kỳ và đột xuất tất cả số cây được gieo trồng;
Thu thập các mẫu cây có biểu hiện bất thường, mẫu sinh vật gây hại, triệu chứng gây hại để giám định tác nhân gây bệnh trong phòng thí nghiệm.
b) Đối với sinh vật có ích
Kiểm tra toàn bộ số cá thể để đánh giá độ thuần;
Kiểm tra, xác định tính chuyên tính ký chủ của lô vật thể;
Đối với côn trùng, nhện có ích: kiểm tra, theo dõi hàng ngày tình trạng lô vật thể, thu thập các cá thể bị chết để kiểm tra ký sinh bậc 2.
Kết quả kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu
Khi hết thời gian theo dõi theo quy định, cơ quan kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu báo cáo kết quả kiểm tra để Cục Bảo vệ thực vật xem xét, quyết định.
Thời gian kiểm tra theo dõi
Thời gian kiểm tra, theo dõi kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu đối với từng loại giống cây trồng và sinh vật có ích như sau:
Chồi, hom, cành, mắt ghép: từ 1 đến 2 năm.
Cây: từ 6 đến 12 tháng.
Củ giống: 1 chu kỳ sinh trưởng.
Sinh vật có ích: Ít nhất một thế hệ.
Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ: