Việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng – khởi đầu từ xung đột trong quan hệ Mỹ - Trung và trở nên cấp thiết hơn do đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine – đã mang đến cơ hội cho lục địa Đen.
Cảng Cape Town, Nam Phi (Ảnh: WBHO)
Báo cáo thường niên về Phát triển kinh tế ở châu Phi của Liên Hiệp Quốc năm nay đã nhấn mạnh đến tiềm năng của lục địa này trong việc nắm bắt làn sóng nhu cầu dịch chuyển sản xuất trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm cách đa dạng hóa cách họ vận chuyển hàng hóa trên khắp thế giới.
Bà Rebeca Grynspan, Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), cho biết: “Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang xem xét lại chiến lược chuỗi cung ứng của mình nhằm khắc phục những khoảng trống và giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng”.
Bà cho biết những sự gián đoạn chuỗi cung ứng gần đây trên khắp thế giới đã “thúc đẩy nhu cầu của các doanh nghiệp trong việc giảm thiểu khả năng gặp khó khăn trên toàn cầu, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp và người mua về mặt địa lý”.
Mặc dù nội dung báo cáo chủ yếu tập trung vào những nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ của châu Phi - bao gồm nhôm, coban và mangan - nhưng báo cáo cũng ghi nhận châu lục này còn nhiều tiềm năng sản xuất khác chưa được khai thác đúng mức.
Chính phủ các nước Châu Phi chắc chắn đã nhận ra những cơ hội này: Maroc đang tìm cách phát triển thành một quốc gia có chỗ đứng trong lĩnh vực sản xuất ô tô, với cam kết từ năm 2025, quốc gia này sẽ sản xuất một triệu chiếc mỗi năm. Sau khi nhà cầm quyền đưa ra sáng kiến về định hướng này, lượng xe mà quốc gia Bắc Phi sản xuất đã đạt 700.000 chiếc vào năm 2022.
Báo cáo cho biết: “Các sáng kiến của Chính phủ được thiết kế để tăng cường hội nhập, mở rộng quy mô ngành, nâng cấp hoạt động sản xuất, cải thiện khâu chuyển giao công nghệ và kiến thức, cũng như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu”.
Ông James Hookham, Giám đốc Diễn đàn Chủ hàng Toàn cầu (Global Shippers Forum) nói với The Loadstar rằng việc khai thác tiềm năng xuất khẩu của Châu Phi sẽ đòi hỏi “một cách tiếp cận có tính phối hợp cao” dựa trên các kỹ năng và cơ sở vật chất sẵn có, phù hợp với nhu cầu của khách hàng trên toàn cầu.
Ông cho biết, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của châu Phi, báo cáo đã đề cập khá tích cực, định vị các doanh nghiệp này như là một “nguồn chiến lược” để đa dạng hóa và chuyển đổi chuỗi cung ứng, nếu họ nhận được sự hướng dẫn phù hợp.
Với mục đích tăng cường hợp tác với các chính phủ và các bên liên quan ở châu Phi, UNCTAD cho biết tổ chức này có thể giúp phát triển chương trình đào tạo riêng để hỗ trợ các nhà lãnh đạo ngành và các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu được cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận các chương trình về công nghệ, tài chính và tái đào tạo kỹ năng.
Bà Oulimata Sarr, Bộ trưởng kinh tế, kế hoạch và hợp tác Senegal, cho biết sự gián đoạn của nền kinh tế toàn cầu khiến châu Phi trở thành một lựa chọn hiển nhiên để doanh nghiệp xem xét điều chỉnh chuỗi cung ứng.
Bà nói thêm: “Các lĩnh vực sản xuất xe điện và điện thoại di động đòi hỏi nhiều loại nguyên liệu thô và đầu vào trung gian, những ngành này có thể tận dụng lợi thế gần thị trường tiêu thụ và hưởng lợi từ các cơ hội tạo ra giá trị gia tăng và tạo việc làm”.