Các tuyến vận tải container trong khu vực Châu Á và tuyến vận tải đường bộ xuyên biên giới được coi là những đối tượng sớm hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), được ký vào giữa tháng 11 năm 2020.
RCEP mở ra tương lai thuận lợi cho vận chuyển nội Á và vận tải xuyên biên giới
RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do, bao gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
RCEP đã hoàn tất sau 8 năm đàm phán và chính thức được ký kết vào ngày 15/11/2020, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 đang được tổ chức bởi Việt Nam, hứa hẹn cắt giảm hoặc loại bỏ nhiều loại thuế quan, thống nhất các bộ quy tắc xuất xứ hàng hóa và mở rộng chuỗi cung ứng trong khu vực.
Jonathan Mummery, nhà phân tích hàng hải tại Dynamar cho rằng RCEP có thể tạo ra thêm 2,2 triệu TEU nhu cầu vận chuyển mới cho các tuyến nội Á, chưa tính đến tốc độ phát triển rất nhanh tại khu vực này. “Con số này tương ứng với khoảng 5,2% sản lượng nội Á năm 2019 là 42,7 triệu TEU."
Về tổng thể, hiệp định RCEP sẽ tăng tổng khối lượng container toàn cầu lên gần 2%, tương đương 3,3 triệu TEU vào năm 2030, theo ước tính của Dynamar. Một tỷ lệ khá lớn so với tổng sản lượng toàn cầu 169 triệu TEU trong năm 2019.
Đó là chỉ tính riêng sản lượng vận chuyển tăng do hiệp định RCEP. Ngoài ra còn các thỏa thuận khác, bao gồm hiệp định đầu tư song phương giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu hiện đang được đàm phán, có thể làm tăng mạnh sản lượng vận chuyển bằng container.
Tính đến nay, nội Á đang là thị trường vận tải container lớn nhất trên thế giới, với sản lượng tăng từ 31,6 triệu TEU năm 2014 lên 42,7 triệu TEU vào năm 2019. Bao gồm 10 quốc gia ASEAN, RCEP trở thành hiệp định thương mại đa phương lớn nhất trên thế giới.
Daniel Richards, nhà phân tích cấp cao của Maritime Strategies International, cho biết: "Điểm mấu chốt ở đây là tiềm năng đối với vận chuyển container lạnh (reefer), vì Trung Quốc đã cam kết cắt giảm nhiều mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nông nghiệp ASEAN, từ mức 10% đến 15% như hiện tại xuống còn 0%, ngay trong năm đầu tiên của hiệp định."
Tiềm năng tăng trưởng ngành dệt may, thời trang, thực phẩm chế biến, hóa chất, nhựa và phụ tùng ô tô
Hiệp định RCEP hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển
Các lô hàng dệt may, thời trang, hóa chất, nhựa, thực phẩm chế biến và phụ tùng ô tô trong khu vực nội Á có tiềm năng gia tăng khối lượng vận chuyển, tương lai trên được cả các nhà phân tích kinh tế và các công ty giao nhận dự đoán sau khi biết loạt thuế sắp được gỡ bỏ.
"Trung Quốc sẽ loại hơn 100 dòng thuế đối với sợi Nhật Bản, thời trang và sợi dệt trong năm đầu RCEP có hiệu lực". Thêm vào đó, thuế sẽ được cắt giảm hoặc loại bỏ đối với 92% hàng hóa giao dịch trong châu Á, theo một nghiên cứu của hãng Fung Business Intelligence từ Hong Kong.
“Thuế đối với 86% hàng hóa Nhật Bản đang xuất khẩu sang Trung Quốc cũng sẽ được xóa bỏ, hứa hẹn mang lại lợi ích lớn cho các nhà sản xuất Nhật Bản, chẳng hạn như các doanh nghiệp cung cấp phụ tùng ô tô” - theo Regine Picard, phó chủ tịch LF Logistics:
"Một lĩnh vực khác mà chúng tôi dự đoán sự phát triển tích cực do RCEP là vận tải đường bộ xuyên biên giới. Với việc dỡ bỏ các rào cản thương mại, đơn giản hóa thủ tục hải quan và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chúng tôi kỳ vọng nhu cầu vận tải đường bộ xuyên biên giới giữa Đông Nam Á và Trung Quốc cũng như trong khu vực Đông Nam Á sẽ tăng lên."
Theo một nghiên cứu về khu vực ASEAN: Thị trường vận tải đường bộ xuyên biên giới hiện trị giá khoảng 2 tỷ USD một năm, nhưng dự kiến sẽ tăng lên 4 tỷ USD một năm vào 2023.
Việc thống nhất và hài hòa các quy tắc xuất xứ cũng được kỳ vọng mang lại lợi ích cho các hãng tàu. “Sự rõ ràng hơn và hài hòa hơn trong các quy định quy tắc xuất xứ có thể tạo điều kiện thúc đẩy dòng chảy xuyên biên giới trong các chuỗi cung ứng, điều này sẽ mang lại lợi ích cho các công ty giao nhận đường biển và các hãng tàu trung chuyển khu vực Châu Á.” - Richards của MSI cho biết.
Báo cáo của Fung cho biết thêm, việc thống nhất quy tắc còn đẩy nhanh sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước láng giềng, thúc đẩy hội nhập kinh tế và thương mại trong khu vực.