Quy trình nhập khẩu đường biển (FCL)
09/07/2021 06:57 PM

Quy trình nhập khẩu đường biển (FCL)

Quy trình làm hàng nhập tôi giới thiệu trong bài viết này là những bước mà khách hàng của công ty tôi đang làm hàng ngày. Đây chủ yếu là các bước mà chủ hàng cần làm để chuyển lô hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Tất nhiên, trong trường hợp chủ hàng muốn thuê công ty dịch vụ (như công ty tôi) thì có thể bỏ qua một số bước nghiệp vụ đã đi thuê. Mặc dù vậy, họ vẫn nên tìm hiểu để phối hợp cho tốt trong quá trình làm thủ tục. Trong trường hợp bạn là nhân viên của công ty dịch vụ giao nhận thì cũng có thể đọc tiếp để hiểu những công việc khách hàng của mình phải làm, để phối hợp tốt.
Dưới đây, tôi sẽ nêu các bước công việc chính để nhập khẩu lô hàng bằng đường biển, cho hàng nguyên container (FCL). Nếu hàng đi bằng máy bay, thì bạn đọc bài Quy trình nhập khẩu hàng hóa bằng đường hàng không.

1. Đặt booking trong quy trình nhập khẩu đường biển:

https://nitoda.com/Resources/Blog/Thumbnails/26/4716/quy-trinh-lam-hang-nhap-khau-duong-bien-fcl-4716.jpg

Booking-Note

Trước khi làm bước này, bạn đã thỏa thuận và ký kết hợp đồng với nhà xuất khẩu về các điều khoản, điều kiện, ràng buộc,… để nhập hàng cũng như lựa chọn dịch vụ vận tải (FWD) đáp ứng các yêu cầu của công ty bạn.

​Tương tự như quy trình hàng xuất, thường các hãng tàu hay hết chỗ sớm khoảng trước 1 tuần, đặc biệt khi rơi vào mùa cao điểm, lượng hàng xuất đi rất nhiều, tình trạng thiếu container rỗng và chỗ rất hay xảy ra.Có điểm khác biệt so với hàng xuất, trường hợp bạn booking (dành quyền thuê tàu) thì bạn chỉ việc cung cấp thông tin cho dịch vụ vận chuyển FWD tại Việt Nam để lấy booking và họ sẽ tiến hành liên hệ với đối tác của bạn thông qua mạng lưới chi nhánh, đại lý của họ để phối hợp đóng hàng theo kế hoạch được xác định trước đó.

Mọi thông tin cập nhật sẽ được đối tác của bạn và dịch vụ vận chuyển cung cấp trong suốt lộ trình đơn hàng về tới công ty bạn.

Các thông tin quan trọng để lấy booking:
  • Cảng đi (Port of Loading): Nơi mà container của bạn được xếp lên tàu.
  • Cảng chuyển tải: Tùy thuộc vào quy định, sự thống nhất giữa bạn và khách hàng có được phép đi tàu chuyển tải (Transit) hay phải đi thẳng (Direct) để lựa chọn lộ trình phù hợp.

https://nitoda.com/Resources/Blog/Thumbnails/26/4717/quy-trinh-lam-hang-nhap-khau-duong-bien-fcl-4717.jpg

  • Cảng đến (Port of Discharge): Nơi hạ container.
  • Tên hàng, trọng lượng: Dựa trên thông tin trên bộ hồ sơ chứng từ để cung cấp.
  • Thời gian tàu chạy (ETD): Ngày dự kiến tàu xuất phát.
  • Thời gian đóng hàng: Theo kế hoạch thống nhất giữa bạn và nhà xuất khẩu
  • Yêu cầu đặc biệt khác: Loại container, kích cỡ, nhiệt độ, độ thông gió (nếu có). Căn cứ vào từng mặt hàng, để lựa chọn loại container phù hợp.

2. Kiểm tra và xác nhận Booking Tra:

Kiểm tra thông tin trên booking:

Khác với 1 lô hàng xuất bạn phải kiểm tra chi tiết từng phần trên booking thì hàng nhập bạn chỉ lưu ý 1 số thông tin sau:

  • Cảng đi, cảng đến: Kiểm tra kỹ xem đúng yêu cầu hay chưa vì nó ảnh hưởng xuyên suốt tiến trình của lô hàng.
  • Nhiệt độ, độ thông gió (Nếu có): Xem nhiệt độ, độ thông gió đã đúng theo yêu cầu chưa. Riêng các mặt hàng đông lạnh (Nhiệt độ âm) không có độ thông gió.
  • Loại container, kích cỡ: Cont khô hay lạnh, loại cao hay thường, loại 20′ hay 40′.

Bạn có thể bỏ qua như: Hạn nộp thông tin làm B/L (Cut off SI), giờ cắt máng (Cut off CY); nơi lấy rỗng; nơi hạ container đầy,… Vì phía xuất khẩu đã lên kế hoạch sắp xếp trước đó.

Yêu cầu bên cấp booking chỉnh sửa nếu có sai sót:

Nếu có sai sót thì đề nghị bên cấp booking chỉnh sửa và tiếp tục kiểm tra cho đến khi đạt yêu cầu của bạn.

3. Theo dõi tiến trình đóng hàng và thông tin cập nhật từ nhà xuất khẩu:

Đối với hàng xuất, bạn hoặc dịch vụ FWD bạn thuê sẽ thực hiện việc giám sát, theo dõi toàn bộ tiến trình đóng hàng để cập nhật cho đối tác của bạn. Còn đối với hàng nhập thì ngược lại: Nhà xuất khẩu hoặc đại lý, chi nhánh dịch vụ FWD ở Việt Nam mà bạn đang sử dụng sẽ làm điều này.

Trường hợp nhà xuất khẩu hoặc Cty FWD lơ là, không cập nhật cho bạn thì bạn phải chủ động yêu cầu họ cập nhật thường xuyên cho bạn để nắm bắt tiến trình đơn hàng của mình.

Một số thông tin cần được cập nhật như: 

Yêu cầu ảnh chụp container rỗng

https://nitoda.com/Resources/Blog/Thumbnails/26/4723/quy-trinh-lam-hang-nhap-khau-duong-bien-fcl-4723.jpghttps://nitoda.com/Resources/Blog/Thumbnails/26/4724/quy-trinh-lam-hang-nhap-khau-duong-bien-fcl-4724.jpg

Ảnh chụp container rỗng

Yêu cầu chụp ảnh (Video) đóng hàng

https://nitoda.com/Resources/Blog/Thumbnails/26/4719/quy-trinh-lam-hang-nhap-khau-duong-bien-fcl-4719.jpg

Seal Container

https://nitoda.com/Resources/Blog/Thumbnails/26/4725/quy-trinh-lam-hang-nhap-khau-duong-bien-fcl-4725.jpg

– Ảnh chụp tình trạng container rỗng để xác nhận rỗng để đảm bảo không xảy ra vấn đề hư hại gì, vì mọi chi phí phát sinh sửa chữa container sẽ bị hãng tàu thu của bạn khi bạn trả container rỗng tại Việt Nam nếu như ở đầu nước ngoài không có xác nhận hư hại gì.

– Riêng đối với hàng lạnh phải chụp bảng nhiệt độ. Cẩn thận hơn thì bạn có thể yêu cầu họ gắn thêm con Chip điện tử trong container, để theo dõi nhiệt độ trong suốt lộ trình lô hàng.

Thậm chí nếu tàu bị delay trước khi đóng hàng. Phải yêu cầu họ cập nhật để chủ động xử lý chứng từ liên quan của lô hàng.

4. Kiểm tra xác nhận chứng từ, hồ sơ liên quan đến lô hàng:

Trước khi nhập khẩu, bạn cần tìm hiểu mặt hàng này bắt buộc phải có những chứng từ trong việc làm thủ tục nhập khẩu. Sau đó yêu cầu phía đối tác tiến hành làm để được cấp các chứng từ, chứng nhận đó.

Sau khi chốt các loại chứng nhận, trong quá trình tiến hành, bạn đề nghị họ gửi các bản nháp (Draft) kể cả vận đơn đường biển (B/L) để kiểm tra kỹ các thông tin xem đã khớp hay chưa? Khi sai 1 lỗi rất nhỏ, lô hàng của bạn có thể gặp rắc rối lớn từ phía Hải quan, cơ quan Nhà nước.

Nếu mọi thứ Ok. Xác nhận với họ để tiến hành các bước tiếp theo cho tới khi bạn nhận được bản scan gốc.

Có một điểm lưu ý đặc biệt là bạn cần dựa vào lịch trình thời gian tàu chạy. Để chủ động yêu cầu các Deadline cho từng chứng từ, đảm bảo mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch.

Nhiều trường hợp tàu đã về Việt Nam nhưng các chứng từ, chứng nhận của lô hàng vẫn chưa hoàn tất. Gây trì hoãn việc lấy hàng, rất mất thời gian và chi phí cho bạn.

5. Nhà nhập khẩu nhận được thông báo khi hàng đến:

Trước ngày tàu cập ít nhất 1 ngày bạn sẽ nhận được thông báo hàng đến từ phía hãng tàu hay đại lý.

Thông báo hàng đến (ARRIVAL NOTICE) là giấy thông báo chi tiết của Hãng tàu; Đại lý giao nhận thông báo cho bạn biết thời gian lô hàng của bạn dự kiến sẽ cập bến. Các thông tin trên thông báo hàng đến có phần tương tự các thông tin trên Bill. (Tên nhà xuất khẩu, nhập khẩu, số hiệu container, seal, tên tàu, số chuyến, mô tả hàng hóa,…).

Ngoài ra còn có các phụ phí (Local charges) được ghi rõ trên đó.

https://nitoda.com/Resources/Blog/Thumbnails/26/4728/quy-trinh-lam-hang-nhap-khau-duong-bien-fcl-4728.JPG

GIẤY THÔNG BÁO HÀNG ĐẾN – ARRIVAL NOTICE

Sau khi kiểm tra thông tin trên thông báo hàng đến, bạn tiến hành lấy lệnh giao hàng (D/O).Để lấy được bộ lệnh giao hàng từ hãng tàu hoặc đại lý, bạn cần các giấy tờ sau:

  • Giấy giới thiệu.
  • Bill gốc (Nếu là Surrendered B/L thì không cần B/L).
  • Giấy ủy quyền (Nếu có yêu cầu).

Đối với hợp đồng thanh toán bằng thư tín dụng (L/C), khi đến hãng tàu nhận bộ lệnh giao hàng bạn phải mang vận đơn gốc có ký hậu của ngân hàng.

Thông thường, bộ lệnh giao hàng có 4 bản do hãng tàu cung cấp để người nhận hàng làm giấy cược container, gia hạn, đối chiếu Manifest và in phiếu giao nhận container.

Giấy EIR và giấy mượn container:

Đối với hàng FCL là loại hàng giao thẳng, giao nguyên container thì bạn phải làm giấy mượn container. Bằng cách điền vào giấy cam kết mượn container của hãng tàu. Sau đó đóng phí cược container theo quy định của mỗi hãng tàu.

Số tiền này được hãng tàu hoàn trả lại nếu khi trả container về bãi, khi tình trạng container vẫn tốt như lúc mượn. Hoặc sẽ bị trừ bớt để hãng tàu sửa chữa container bị hư hỏng. Trên lệnh giao hàng sẽ được đóng dấu là “HÀNG GIAO THẲNG”.

https://nitoda.com/Resources/Blog/Thumbnails/26/4721/quy-trinh-lam-hang-nhap-khau-duong-bien-fcl-4721.jpg

Hãng tàu sẽ đưa cho nhân viên giao nhận ký tên vào 1 bản D/O. Và hãng tàu giữ lại bảng này để làm bằng chứng: “Bộ lệnh đã được giao cho người giao nhận”.

Nhân viên giao nhận còn phải đối chiếu B/L với các thông tin trong D/O để đảm bảo thông tin chính xác. Nếu phát hiện sai sót, nhân viên giao nhận sẽ phải yêu cầu hãng tàu sửa chữa và đóng dấu “CORRECT” vào chỗ đã sửa. Nếu không sẽ dẫn đến rắc rối khi làm thủ tục hải quan và nhận hàng tại cảng.

Đối với hàng FCL là hàng rút ruột tại cảng thì trên D/O sẽ được đóng dấu “HÀNG RÚT RUỘT”. Và được ghi rõ ngày hết hạn.

Lưu ý:

– Bạn cần chú ý kiểm tra ngày hết hạn lệnh trên lệnh giao hàng. Trường hợp nếu kế hoạch làm hàng tại cảng kéo dài vượt quá thời hạn ghi trên lệnh. Bạn phải lên hãng tàu/ đại lý hãng tàu đóng tiền để gia hạn lệnh. Sau khi gia hạn lệnh xong thì bạn mới làm được các thủ tục tiếp theo để kéo hàng về kho.

https://nitoda.com/Resources/Blog/Thumbnails/26/4722/quy-trinh-lam-hang-nhap-khau-duong-bien-fcl-4722.jpg

– Việc lấy lệnh có thể đóng tiền mặt hay chuyển khoản đều được. Đối với số tiền lệnh lớn thì nên chuyển khoản để tránh rủi ro

– Các trường hợp gấp thì bạn nên ưu tiên thanh toán bằng tiền mặt để lấy được ngay lệnh giao hàng.

6. Đăng Ký Các Chứng Nhận Liên Quan Đến Lô Hàng:

Dựa vào loại hàng, căn cứ mã HS code,.. Và các quy định của Nhà nước để bạn chuẩn bị cần đăng ký những thủ tục gì để được cấp các chứng nhận liên quan.

Ví dụ, nếu bạn nhập hàng hóa chất cần phải có giấy xác nhận đăng ký hóa chất của cơ quan chuyên môn và đóng lệ phí theo quy định

Khai báo hóa chất nhập khẩu

Hay một số mặt hàng phân bón phải có công bố hợp quy; mặt hàng, đồ dùng liên quan đến thực phẩm phải có đăng ký kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng của bộ ngành theo quy định pháp luật.

Giấy đăng ký kiểm tra thực phẩm nhập khẩu

Giấy chứng nhận kiểm dịch (Tham khảo)

Nếu không làm các chứng nhận này thì lô hàng của bạn sẽ không được thông quan cũng như gặp khó khăn trong quá trình làm hàng với các cơ quan chức năng

7. Khai báo hải quan hàng nhập:

Chuẩn bị chứng từ là khâu quan trọng nhất trong quá trình làm thủ tục hải quan. Việc chuẩn bị chứng từ sớm và chuẩn xác sẽ đóng góp đế 95% tiến độ khai báo hải quan. Cũng như tiết kiệm chi phí hải quan cho doanh nghiệp bạn.

Xác định những việc cần làm đối với 1 lô hàng nhập khẩu:

Bước này có nghĩa là khi lô hàng của bạn nhập khẩu về, bạn cần xác định trước là mặt hàng cần nhập là gì? Tham khảo trước mã HS (HS code) cho hàng hóa, thuế nhập khẩu là bao nhiêu? Có được hưởng ưu đãi hay không, những thủ tục và công việc nào cần làm khi lô hàng về tới Việt Nam?

Chuẩn bị bộ hồ sơ, chứng từ khi hàng về tới Việt Nam:

Sau khi nhận được thông báo hàng đến, lúc này bạn cần chuẩn bị những chứng từ để làm thủ tục cho lô hàng. Bộ chứng từ gồm:

  • Hợp đồng (Contract)
  • Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice)
  • Phiếu đóng gói (Packing list)
  • Vận đơn (bill of lading)
  • Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O (nếu có)
  • Giấy phép Nhập Khẩu (nếu có)
  • Các chứng từ khác cần thiết khác, tùy từng lô hàng và mặt hàng cụ thể

Lưu ý: Một số mặt hàng nhập khẩu yêu cầu cần phải có giấy phép, chứng nhận đặc thù,… của các bộ ngành liên quan. Bạn cần tìm hiểu kỹ các loại chứng từ này và gấp rút hoàn thành sớm để lô hàng được “Giải phóng”.

Lên tờ khai hải quan:

Nhờ sự phát triển của công nghệ, hiện nay chúng ta không còn phải khai báo hải quan bằng hồ sơ giấy rất chậm chạp và nhọc nhằn như trước nữa.

Thay vào đó, chúng ta có thể khai báo qua mạng qua hệ thống khai báo hải quan điện tử. Trong đó, phần mềm hải quan điện tử được sử dụng phổ biến nhất là ECUS5 – VNACCS.

Để lên tờ khai trên phần mềm chúng ta cần các chứng từ:

  • Sales Contract
  • Commercial Invoice
  • Packing List
  • Bill of Lading
  • C/O, Hóa đơn cước(nếu có) và một số chứng từ liên quan khác cần thiết cho việc lên tờ khai.

Những chứng từ này tùy thuộc vào từng mặt hàng và chính sách quản lý mặt hàng nhập khẩu cụ thể.

Ngoài chứng từ ra, đặc biệt cần lưu ý là chữ ký số.

https://nitoda.com/Resources/Blog/Thumbnails/26/4720/quy-trinh-lam-hang-nhap-khau-duong-bien-fcl-4720.jpg

Chữ ký số dùng để đăng nhập và truyền tờ khai trên phần mềm khai hải quan điện tử.

Doanh nghiệp chưa có hoặc chữ ký số gặp trục trặc thì cách giải quyết tốt nhất là trả phí khai đại lý hải quan để kịp tiến độ lô hàng. Nhưng về lâu dài thì cần có chữ ký số để tránh phát sinh các chi phí.

Khi đã có chữ ký số và bộ chứng từ đầy đủ cần thiết, cần kiểm tra chứng từ thật kỹ. Việc kiểm tra được thực hiện để xem xét sự thống nhất, chính xác của các chứng từ hay số liệu. Nhất là việc hợp lệ của C/O – để được miễn giảm thuế.

Hơn nữa phải xem xét để áp mã HS một cách chính xác nhất có thể cho lô hàng. Tránh trường hợp bị bác bỏ mã HS thì sẽ không được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu. Một khâu nhìn có vẻ đơn giản nhưng ảnh hưởng khá nhiều đến giá trị lô hàng của bạn.

Tiến hành lên tờ khai bằng cấp đăng nhập vào phần mềm khai hải quan. Điền các thông tin theo như yêu cầu và cắm chữ ký số vào để truyền tờ khai chính thức lên hệ thống. Khi tờ khai được truyền chính thức thành công lên hệ thống cũng đồng nghĩa việc trên hệ thống hải quan đã có thông tin tờ khai này.

Sau khi truyền xong, tờ khai được xuất ra sẽ được phân vào 3 luồng:
  1. Luồng Xanh: Tờ khai được phân số 1 – luồng xanh. Tờ khai sẽ được thông quan ngay trên hệ thống và trả về là: “Tờ khai hàng hóa nhập khẩu (thông quan)”
  2. Luồng Vàng: Tờ khai được phân số 2 – luồng vàng. Bạn phải làm thủ tục mở tờ khai tại Chi cục hải quan cảng.
  3. Luồng Đỏ: Khi tờ khai được phân số 3 – luồng đỏ. Bạn phải làm thủ tục mở tờ khai tại Chi cục hải quan giống như đối với luồng vàng. Đối với tờ khai luồng đỏ thì phải tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa nên cần hết sức lưu ý.

https://nitoda.com/Resources/Blog/Thumbnails/26/4729/quy-trinh-lam-hang-nhap-khau-duong-bien-fcl-4729.JPG

 

Lưu ý:

– Việc lên tờ khai chính thức rất quan trọng, yêu cầu thông tin chính xác, số liệu thực tế nhất. Một số trường hợp khai sai có thể sửa được, nhưng có những trường hợp phải hủy tờ khai. Điều này sẽ dẫn đến việc phát sinh chi phí cũng như rắc rối cả trước, sau khi hoàn thành thủ tục cho lô hàng.

– Việc hủy tờ khai nhiều, có thể ảnh hưởng xấu đến kết quả phân luồng của những tờ khai sau này.

Đóng thuế và làm thủ tục hải quan thực tế tại cảng

Sau khi tờ khai được phân luồng, số tiền thuế sẽ được hiển thị trên tờ khai dù là luồng xanh, đỏ, hay vàng. (Trừ một số trường hợp được hưởng chính sách miễn thuế).

https://nitoda.com/Resources/Blog/Thumbnails/26/4733/quy-trinh-lam-hang-nhap-khau-duong-bien-fcl-4733.JPG

Biểu thuế Xuất nhập khẩu

Số tiền thuế này được hiển thị trên trang đầu tiên của tờ khai và được phân thành các mục cụ thể:

  • Thuế Nhập Khẩu
  • Thuế GTGT
  • Tổng tiền thuế phải nộp
  • Đây là căn cứ để đóng số tiền thuế chính xác.

Số tiền thuế có thể tính toán gần chính xác trước khi lên tờ khai. Phụ thuộc vào mã HS, thuế nhập khẩu, VAT và miễn giảm thuế khi có C/O. Việc tính toán trước số tiền thuế phải nộp, giúp DN chủ động hơn khi tính các chi phí.

Lưu ý:

Thông thường, việc đóng thuế được thực hiện sau khi tờ khai được phân luồng và thực tế hàng đã về cảng. Tùy thuộc tính chất của lô hàng mà DN quyết định đóng trước hay sau khi làm thủ tục tại cảng.

Số tiền thuế có thể chuyển khoản hay đóng tiền mặt, nhưng để nhanh chóng thì bạn nên đóng tiền mặt. Tránh trường hợp thủ tục đã hoàn tất nhưng thuế chuyển khoản mà vẫn chưa vào nên không thể nhận hàng được. Hiện tại tiền thuế có thể đóng tại ngân hàng hoặc ngay tại cảng. (Nơi làm thủ tục hải quan).

8. Mở và thông quan tờ khai:

https://nitoda.com/Resources/Blog/Thumbnails/26/4726/quy-trinh-lam-hang-nhap-khau-duong-bien-fcl-4726.JPG
Làm thủ tục hải quan tại cảng:
  • Tờ khai luồng xanh. Đóng thuế, tiền thuế vào thì có thể in được mã vạch thì tiến hành thanh lý, nhận hàng.
  • Tờ khai luồng vàng. Đóng thuế trước hoặc sau khi làm thủ tục mở tờ khai, mở tờ khai, thanh lý, nhận hàng
  • Tờ khai luồng đỏ. Giống luồng vàng nhưng trong bước mở tờ khai thực tế, có thêm 1 bước là làm thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa.
Mở tờ khai:

Đối với tờ khai luồng vàng, đỏ, bạn cần chuẩn bị bộ chứng từ để mở tờ khai thực tế, gồm:

  • Giấy giới thiệu
  • Tờ khai phân luồng
  • Invoice
  • Packing list
  • Bill of Lading
  • Các chứng từ cần thiết khác (C/O, hóa đơn cước, giấy phép nhập khẩu,…)

Xuất trình bộ hồ sơ để hải quan xem xét, nếu bộ chứng từ đã hợp lệ. Hải quan sẽ tiến hành thông quan trên hệ thống.

Thường bộ hồ sơ hay bị vướng mắc vấn đề tờ khai hải quan. Như mã HS, tên mặt hàng, thuế suất, C/O không hợp lệ,… Vì vậy, khâu kiểm tra rất quan trọng.

Đối với tờ khai nếu có sai sót không đáng kể thì tiến hành truyền sửa tờ khai. Nhưng nếu vướng mắc mã HS, hay C/O,… thì cần xem xét kỹ.

Đối với tờ khai luồng đỏ hoặc tờ khai luồng vàng bị bẻ kiểm hóa thì ta phải thực hiện bước mở hàng hóa. Để hải quan kiểm tra tính chính xác giữa hàng hóa thực tế và thông tin trên tờ khai.

Các thông tin thường kiểm tra khi Kiểm hóa:
  • Số lượng
  • Chủng loại
  • Nhãn mác, Số series

Sau khi kiểm tra, nếu hàng hóa không có vấn đề và phù hợp với thông tin khai báo. Hải quan sẽ tiến hành thông quan tờ khai trên hệ thống.

Trong trường hợp có sự khác biệt giữa hàng hóa thực tế và chứng từ khai báo. Hải quan sẽ xem xét, về phía doanh nghiệp sẽ tìm cách giải quyết phù hợp nhất.

9. Thanh lý tờ khai:

https://nitoda.com/Resources/Blog/Thumbnails/26/4727/quy-trinh-lam-hang-nhap-khau-duong-bien-fcl-4727.jpg

Sau khi nộp thuế và tờ khai được thông quan thì bạn có thể in mã vạch tại đây. https://www.customs.gov.vn/SitePages/ContainerBarcodeReceiver.aspx. Điền các thông tin theo yêu cầu, bạn sẽ nhận được file PDF như bên dưới:

Bạn nộp mã vạch + tờ khai đã thông quan cho hải quan giám sát ít nhất 2 bộ. HQ sẽ đóng dấu lên mã vạch và trả lại cho DN 1 bộ, bộ còn lại HQ sẽ giữ.

Hiện tại hải quan một số nơi sẽ yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm 1 bộ để đối chứng. Việc nộp bao nhiêu bộ mã vạch + tờ khai để đóng dấu thì tùy thuộc vào hải quan từng nơi. Nhưng doanh nghiệp phải lấy lại 1 bản để lưu trữ, để giải quyết các phát sinh. (Nếu có)

10. Điều xe vận chuyển hàng về kho:

Sau khi thanh lý xong, bạn tới phòng thương vụ cảng, cầm D/O (Còn hạn) để đóng tiền in phiếu nâng container. (Phiếu EIR). Giao cho tài xế 1 số chứng từ như phiếu EIR, D/O, giấy mượn container về kho riêng. Để tài xế trình hải quan giám sát cổng và tiến hành lấy container ra khỏi cảng chở về kho.

https://nitoda.com/Resources/Blog/Thumbnails/26/4731/quy-trinh-lam-hang-nhap-khau-duong-bien-fcl-4731.jpg

Trước khi container nâng lên xe, tài xế cần phối hợp với điều độ cảng kiểm tra kỹ tình trạng container. Nếu phát hiện hư hại thì đề nghị điều độ container xác nhận lên phiếu EIR. Để tránh các chi phí sửa chữa container về sau không phải do lỗi của DN bạn.

Cần lưu ý các chứng từ, đặc biệt giấy mượn container phải bảo quản cẩn thận. Vì còn làm thủ tục trả rỗng sau khi rút hàng.

11. Rút hàng và trả container rỗng:

Sau khi xe về tới kho, bạn chú ý kiểm tra kỹ các thông tin sau:

Seal: Kiểm tra xem có khớp với seal trên Vận đơn (Bill) hay không? Còn nguyên Seal có dấu hiệu cắt hay chắp vá gì không? Sau đó chụp hình lại trước khi cắt Seal.

– Chụp mặt ngoài và mặt trong, ván sàn, 2 cánh cửa container, ván sàn, lỗ thông gió, chuôi cắm điện nhằm xác định tình trạng container trước. Trường hợp container bị hư hại sau khi rút hàng, sẽ biết rõ chi phí sữa chữa đó bên nào chịu.

Lột tem nguy hiểm (Nếu là hàng nguy hiểm) trước khi trả container rỗng theo quy định của hãng tàu. Nếu không sẽ bị phạt tiền.

Sau khi rút hàng xong, tài xế sẽ mang container trả về cảng hoặc ICD, theo chỉ định được ghi rõ trên giấy mượn container.

https://nitoda.com/Resources/Blog/Thumbnails/26/4732/quy-trinh-lam-hang-nhap-khau-duong-bien-fcl-4732.jpg

Các kí hiệu hàng nguy hiểm

Tại nơi trả rỗng, điều độ cảng sẽ kiểm tra tình trạng container. Nếu có hư hại so với trước khi lấy container ra khỏi cảng sẽ ghi chú lên phiếu EIR. (Kèm xác nhận của tài xế).

Lưu ý:

– Hãng tàu sẽ có quy định thời gian lưu container rỗng tại kho. (Thông thường là 3 ngày từ ngày container ra khỏi cảng). Nếu kho Cty bạn ở xa, việc rút hàng cần lên kế hoạch rõ ràng. Đảm bảo container được trả về cảng theo đúng quy định nhằm tránh bị phạt tiền lưu container.

– Trường hợp lệnh hạ bị quá hạn thì cảng sẽ không cho phép bạn trả rỗng. Khi đó bạn cần lên văn phòng hãng tàu để gia hạn lệnh hạ rỗng, đóng các phụ phí. Sau đó giao cho tài xế đưa điều độ cảng kiểm tra, lúc đó mới được trả rỗng hợp lệ.

12. Lưu trữ hồ sơ và chứng từ:

https://nitoda.com/Resources/Blog/Thumbnails/26/4730/quy-trinh-lam-hang-nhap-khau-duong-bien-fcl-4730.jpg

Tất cả bộ chứng từ cần được lưu trữ, bảo quản cẩn thận. (Để đối chiếu sau này có phát sinh, khiếu nại. Phục vụ kiểm tra của các cơ quan liên quan như cơ quan thuế, hải quan…)

Lô hàng hoàn thành thủ tục hải quan khi đã qua khoảng thời gian kiểm tra sau thông quan. Không phải cứ lấy hàng về tới kho, đã xuất xong thì tờ khai đã thông quan!

Hiện tại, chính sách Nhà nước đang đơn giản hóa ở giai đoạn thông quan hàng hóa. Nhằm giảm bớt chi phí, thời gian lưu kho bãi cho DN tại cửa khẩu. Mặt khác là giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng. Việc kiểm tra sau khi thông quan để kiểm tra lại xem doanh nghiệp có tuân thủ; thực hiện thủ tục hải quan của bạn.

Câu hỏi đặt ra là sau khi đã thông quan hàng hóa, doanh nghiệp phải lưu giữ lại những gì? Và trong bao lâu?

1. Các chứng từ cần lưu giữ:

– Các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan; hồ sơ khai bổ sung; hồ sơ đăng ký danh mục hàng hoá miễn thuế; hồ sơ báo cáo sử dụng hàng hóa miễn thuế.

– Hồ sơ xét miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế.

– Hồ sơ đề nghị xử lý tiền thuế; tiền chậm nộp; tiền phạt nộp thừa; hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế; hồ sơ nộp dần tiền thuế nợ; hồ sơ xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; tiền phạt nộp cho cơ quan hải quan.

– Chứng từ vận tải đối với hàng hóa xuất khẩu, phiếu đóng gói, tài liệu kỹ thuật, chứng từ. Và tài liệu liên quan đến định mức thực tế để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

– Sổ sách, chứng từ kế toán.

2. Cần lưu ý gì khi lưu giữ chứng từ?

Người khai hải quan phải lưu trữ các chứng từ khác liên quan trong thời hạn 5 năm.

Người khai hải quan phải lưu trữ bản chính các chứng từ trên. (Trừ trường hợp đã nộp bản chính cho cơ quan hải quan)

– Trường hợp các chứng từ điện tử thì lưu giữ dưới dạng điện tử. Hoặc chuyển đổi ra chứng từ giấy theo quy định của pháp luật.

Kết luận quy trình nhập khẩu đường biển

Hy vọng bài viết này, đã giúp bạn nắm được tổng quát quy trình nhập khẩu đường biển. Tùy vào loại hàng hóa, quy định của nước xuất, các điều khoản trong hợp đồng của bạn. Sẽ có những sự khác biệt nhỏ so với quy trình này.

CÔNG TY CỔ PHẦN NITODA

Địa chỉ: 204 Hồng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 0978222650

Email: annaphuong@nitoda.com

Website: https://www.nitoda.com

Chuyên mục khác
Hãng tàu SITC triển khai marketing online trên Sàn giao dịch logistics Phaata.com
11/03/2024 10:00 AM

Hãng tàu SITC triển khai marketing online trên Sàn giao dịch logistics Phaata.com

Dịch vụ và lịch tàu chính thức của Hãng tàu SITC sẽ được cập nhật và đăng tải trên...

Thị trường vận tải và logistics quốc tế Tuần 10/2024
08/03/2024 12:00 PM

Thị trường vận tải và logistics quốc tế Tuần 10/2024

Cập nhật thị trường vận chuyển container và logistics quốc tế các tuyến Châu Á, Châu Âu...

THỦ TỤC NHẬP KHẨU ĐÁ MARBLE VÀ ĐÁ GRANIT
08/03/2024 10:56 AM

THỦ TỤC NHẬP KHẨU ĐÁ MARBLE VÀ ĐÁ GRANIT

Thủ tục nhập khẩu đá Marble, đá Granit

Chuyên gia: Hãng tàu HMM nên đầu tư tăng quy mô đội tàu lên gấp đôi 
06/03/2024 12:00 PM

Chuyên gia: Hãng tàu HMM nên đầu tư tăng quy mô đội tàu lên gấp đôi 

Theo ông Kim In-hyeon, Giáo sư Luật hàng hải tại Đại học Korea, thì hãng tàu HMM nên sử dụng lợi...

Emirates Shipping Line mở dịch vụ vận chuyển mới từ Viễn Đông đến Trung Đông
05/03/2024 11:00 AM

Emirates Shipping Line mở dịch vụ vận chuyển mới từ Viễn Đông đến Trung Đông

Hãng tàu Emirates Shipping Line (ESL) công bố mở dịch vụ mới COSMOS (CMX) và cải tiến dịch vụ hiện...

Hãy gửi yêu cầu cho chúng tôi để nhận được giá cước vận chuyển tốt nhất
Yêu cầu báo giá


Nitoda cung cấp chức năng check giá cước và tạo booking online.
Tra cước biển FCL
Tra cước biển LCL
Tra cước hàng Air
Tra cước đường bộ


Bạn muốn Nitoda hỗ trợ trực tiếp?
Gọi ngay

0978222650

Chuyên mục khác
Hãng tàu SITC triển khai marketing online trên Sàn giao dịch logistics Phaata.com
11/03/2024 10:00 AM

Hãng tàu SITC triển khai marketing online trên Sàn giao dịch logistics Phaata.com

Dịch vụ và lịch tàu chính thức của Hãng tàu SITC sẽ được cập nhật và đăng tải trên...

Thị trường vận tải và logistics quốc tế Tuần 10/2024
08/03/2024 12:00 PM

Thị trường vận tải và logistics quốc tế Tuần 10/2024

Cập nhật thị trường vận chuyển container và logistics quốc tế các tuyến Châu Á, Châu Âu...

THỦ TỤC NHẬP KHẨU ĐÁ MARBLE VÀ ĐÁ GRANIT
08/03/2024 10:56 AM

THỦ TỤC NHẬP KHẨU ĐÁ MARBLE VÀ ĐÁ GRANIT

Thủ tục nhập khẩu đá Marble, đá Granit

Chuyên gia: Hãng tàu HMM nên đầu tư tăng quy mô đội tàu lên gấp đôi 
06/03/2024 12:00 PM

Chuyên gia: Hãng tàu HMM nên đầu tư tăng quy mô đội tàu lên gấp đôi 

Theo ông Kim In-hyeon, Giáo sư Luật hàng hải tại Đại học Korea, thì hãng tàu HMM nên sử dụng lợi...

Emirates Shipping Line mở dịch vụ vận chuyển mới từ Viễn Đông đến Trung Đông
05/03/2024 11:00 AM

Emirates Shipping Line mở dịch vụ vận chuyển mới từ Viễn Đông đến Trung Đông

Hãng tàu Emirates Shipping Line (ESL) công bố mở dịch vụ mới COSMOS (CMX) và cải tiến dịch vụ hiện...