Những năm gần đây, cà phê nằm trong nhóm các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam. Đây cũng là cây trồng quan trọng của người dân khu vực Tây Nguyên khi đóng góp khoảng 30% GDP của khu vực này.
Hiện nay, sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam bình quân đạt 1,5 - 1,8 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng trong những năm qua đạt trên 3 tỷ USD.
Theo thông tin mới nhất từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu cà phê cả năm 2020 đạt 1,51 triệu tấn, trị giá 2,66 tỷ USD, giảm 8,8% về khối lượng và giảm 7,2% về trị giá so với năm 2019.
Đức, Hoa Kỳ và Italy tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam. Giá cà phê xuất khẩu bình quân cả năm 2020 ước đạt 1.759 USD/tấn, tăng 1,8% so với năm 2019.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, với vị trí thứ hai thế giới về trị giá xuất khẩu, cà phê Việt Nam đã có mặt tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Đức, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Ý, Bỉ và Anh và các thị trường mới nổi như: Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines...
Cùng với đó, thị trường cà phê nội địa phát triển mạnh với sự có mặt của khoảng 300.000 quán cà phê trên cả nước, trong đó nhiều thương hiệu bán lẻ cà phê Việt được người tiêu dùng ưa thích.
"Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới tuy nhiên giá trị xuất khẩu cà phê chưa tương xứng với tiềm năng", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định.
Để nâng cao giá trị và hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, cần phát triển ngành cà phê Việt Nam theo hướng chuỗi giá trị, tăng cường kết nối sản xuất với thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, hướng tới xây dựng chuỗi giá trị cà phê bền vững.
Nhằm tận dụng tốt hơn cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là FTA Việt Nam-EU (EVFTA), thúc đẩy xuất khẩu cà phê mạnh mẽ thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương tiếp tục hướng dẫn người dân sản xuất cà phê được chứng nhận do các nhà nhập khẩu EU yêu cầu, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế bảo quản các sản phẩm cà phê.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương chuyển đổi bộ giống cà phê theo hướng nâng cao chất lượng, tăng thị phần cà phê đặc sản, tiếp tục đăng ký chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương mình.
Nguồn: Haiquanonline