Tổng cục Hải quan có Công văn 2224/TCHQ-PC ngày 13/5/2021 thực hiện Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Tải Công văn 2224/TCHQ-CP TẠI ĐÂY
Các DN logistics cho rằng, việc xử phạt theo quy định tại điểm a, b, c khoản 4, Điều 8 và điểm d khoản 6, Điều 8 Nghị định 128 là chưa phù hợp với hoạt động thực tế.
Cụ thể, mức phạt liên quan tới lỗi sai trong khai báo bản lược khai hàng hóa (E-Manifest) trên Cổng thông tin một cửa quốc gia trước khi tàu cập cảng đích chưa hợp lý.
Theo các DN, từ trước đến nay, việc khai báo muộn vận đơn và sửa vận đơn trên E-Manifest đã từng xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan (do thời gian khai E-Manifest, do cùng lúc có quá nhiều mã vận đơn mà DN phải nhập thủ công nên xảy ra sai sót, do múi giờ làm việc các nước khác nhau...). Do đó, việc triển khai thực hiện Nghị định 128 hiện gây áp lực rất lớn cho DN và gây ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động ở vị trí nhân viên khai báo.
Hiện nay, chi phí phát sinh khi nhập sai hồ sơ hoặc nộp muộn hồ sơ đều do chính người lao động chịu trách nhiệm và chi trả. Mức lương trung bình DN trả cho nhân viên khai báo chứng từ dao động từ 6 đến 7 triệu đồng. Nếu thực hiện mức phạt như khoản 4, Điều 8 Nghị định 128 với mức phạt từ 5 đến 10 triệu đồng một lần khai sai thì vô tình đã đẩy người lao động vào hoàn cảnh túng quẫn vì đối diện mức phạt cao hơn 1 tháng lương của bản thân.
Cũng theo các DN, việc xử phạt vi phạm hành chính khi khai báo thủ tục hải quan cho hàng hóa XNK không phân biệt giữa XNK lần đầu hay nhiều lần, cố ý hay vô ý... Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1, Điều 8 Nghị định 128 thì thực hiện sửa tờ khai và bị phạt cho dù việc sửa đổi không làm thay đổi về thuế hay bản chất tên hàng, chủng loại mà chỉ là sửa lỗi chính tả, hoặc thêm các thông tin phụ khác nhằm làm rõ nội dung khai báo cũng đều bị phạt. Trong thực tế, việc sửa tờ khai có rất nhiều nguyên nhân, cũng có nguyên nhân khách quan và chủ quan (do DN NK sản phẩm lần đầu, do lỗi đánh máy của nhân viên khai báo...).
Ngoài ra, tại điểm a, khoản 1 và khoản 5 Điều 9 Nghị định 128 quy định rất rõ việc khai sai về lượng, tên hàng, chủng loại, chất lượng, giá trị hải quan, mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế, xuất xứ chỉ bị xử phạt trong trường hợp số tiền thuế chênh lệch từ 500 nghìn đồng/ tờ khai hải quan đối với vi phạm do cá nhân thực hiện, từ 2 triệu đồng/ tờ khai hải quan đối với vi phạm do tổ chức thực hiện. DN cho rằng, điều này không thống nhất với quy định tại Điều 8.
Trước vướng mắc đó, các DN logistics đề xuất, Chính phủ xem xét lại mức phạt đối với vi phạm do cá nhân thực hiện tại Điều 9 Nghị định 128 để phù hợp với khả năng chi trả của người lao động hiện nay. Đồng thời, xem xét lại quy định tại Điều 8 của Nghị định 128 theo hướng cho phép nếu DN khai báo cho mặt hàng lần đầu hoặc việc sửa đổi không ảnh hưởng đến thuế thì sẽ không bị phạt.
Các DN còn cho rằng, Tổng cục Hải quan nên có văn bản hướng dẫn chi tiết cho CBCC Hải quan ở tất cả các chi cục hải quan thống nhất khi thực thi các quy định tại Nghị định 128 và có góc nhìn hợp lý về hành vi vô tình hay cố ý để có mức xử phạt hợp lý.
Về vấn đề DN phản ánh, theo Tổng cục Hải quan, quy định mức phạt phù hợp với hành vi vô ý và cố ý, khoản 1, Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.
Theo quy định này, việc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện khi cá nhân, tổ chức có lỗi, không phân biệt là lỗi cố ý hay vô ý. Do đó, việc quy định chế tài xử phạt, mức tiền phạt vi phạm hành chính thực hiện theo nguyên tắc trên.
Liên quan đến kiến nghị xem xét quy định lại mức tiền phạt tại khoản 4, Điều 8 Nghị định 128, Tổng cục Hải quan ghi nhận sẽ xem xét thực tiễn quá trình thi hành quy định này để có đánh giá cụ thể và sẽ nghiên cứu khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 128 đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phù hợp với thực tế áp dụng.
Đối với kiến nghị áp dụng mức phạt của cá nhân cho tổ chức vi phạm, theo Tổng cục Hải quan, khoản 2, Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính; điểm a, khoản 3, Điều 5 Nghị định 128 quy định mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2% mức phạt tiền đối với tổ chức. Mức phạt tiền quy định tại Điều 8 Nghị định 128 là mức phạt tiền đối với tổ chức. Việc xác định mức tiền phạt đối với cá nhân, tổ chức phải thực hiện theo quy định nêu trên, do đó đề nghị của các DN, các hiệp hội chỉ áp dụng mức tiền phạt của cá nhân tại Điều 8 là trái quy định của pháp luật trên và không có cơ sở xem xét.
Đối với đề xuất phân loại hàng hóa và kiến nghị không xử phạt vi phạm hành chính, điểm c, khoản 2, Điều 18 Luật Hải quan 2014 quy định nghĩa vụ của người khai hải quan trong việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình. Trong đó, để đảm bảo nghĩa vụ nêu trên của người khai hải quan, Luật Hải quan 2014 đã quy định các quyền quyền của người khai hải quan. Cụ thể, người khai hải quan xem trước hàng hóa, lấy mẫu hàng hóa, sử dụng các dịch vụ giám định hàng hóa của tổ chức giám định. Bên cạnh đó, người khai hải quan có quyền yêu cầu cơ quan Hải quan xác định trước mã số hàng hóa theo quy định.
Do đó, Tổng cục Hải quan cho rằng, DN có thể căn cứ quy định nêu trên để chủ động sử dụng các cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện của pháp luật để đảm bảo tính chính xác trong việc khai hải quan. Tránh sai sót khi lần đầu khai báo và làm thủ tục hải quan.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, căn cứ quy định tại Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 6 Nghị định 128 thì trường hợp vi phạm lần đầu không thuộc trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, kiến nghị của DN liên quan đến việc không xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm xảy ra do vi phạm lần đầu là không có cơ sở xem xét.