Theo báo cáo mới nhất của Sea-Intelligence, độ tin cậy của lịch trình các tàu vận chuyển trên toàn thế giới khá kém, do một số cảng và khu vực đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng tắc nghẽn cảng.
Như có thể thấy trong hình sau, ở Châu Á đến Bờ Tây Bắc Mỹ, vào thời kỳ đỉnh điểm, số lượng tàu đến trễ từ 7‑13 ngày và từ 14‑20 ngày cao hơn so với thời điểm cao điểm của cuộc đình công ở Bờ Tây nước Mỹ vào năm 2015.
Số chuyến tàu chậm trễ trên tuyến vận chuyển châu Á - Bờ Tây Bắc Mỹ
Theo dữ liệu của Sea-Intelligence, từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2021, có 695 lượt tàu đến muộn hơn một tuần, trong đó có 343 lượt tàu đến muộn hơn 14 ngày, và 132 lượt tàu đến muộn hơn 21 ngày.
Để so sánh, từ tháng 1 năm 2012 đến tháng 12 năm 2020, có 1.535 lượt tàu đến trễ hơn một tuần, có 330 lượt tàu đến muộn hơn 2 tuần và tổng số 104 lượt tàu đến trễ hơn 21 ngày.
Ngoài ra, trên tuyến vận chuyển châu Á-Bắc Âu, có 461 lượt tàu đến muộn hơn 7 ngày từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2021, trong đó có 134 lượt tàu đến muộn hơn 14 ngày và 30 lượt tàu đến muộn hơn 21 ngày, theo thống kê của Sea-Intelligence.
Số chuyến tàu chậm trễ trên tuyến vận chuyển châu Á - Bắc Âu
Con số này so với 792 lượt tàu đến muộn hơn 7 ngày trong giai đoạn 9 năm từ tháng 1 năm 2012 đến tháng 12 năm 2020. Trong cùng kỳ, có 35 lượt tàu đến muộn hơn 14 ngày và chỉ có 2 lượt tàu đến muộn hơn 21 ngày.
Công ty tư vấn Sea-Intelligence của Đan Mạch chỉ ra rằng: "Tình trạng tắc nghẽn cảng còn lâu mới chấm dứt".
Chỉ trong tháng 5 năm 2021, có 174 tàu cập các cảng Bắc Mỹ trên tuyến vận chuyển xuyên Thái Bình Dương (Transpacific) chậm hơn 7 ngày, trên tuyến Á-Âu (Asia-Europe), con số này là 114, và trên tuyến Xuyên Đại Tây Dương (Transatlantic), con số này là 169. Trong cùng tháng, trên tuyến vận chuyển châu Á - Tiểu lục địa Ấn Độ (Asia-Indian Subcontinent), có 99 tàu đã bị trễ hơn một tuần, và tuyến Châu Á - Châu Đại Dương (Asia-Oceania), con số này là 134.