Theo ông Kim In-hyeon, Giáo sư Luật hàng hải tại Đại học Korea, thì hãng tàu HMM nên sử dụng lợi nhuận thu được từ cơn sốt vận tải biển do đại dịch Covid-19 để tăng gấp đôi quy mô đội tàu container lên 1,7 triệu TEU.
Tàu container của Hãng tàu HMM (Ảnh: HMM)
HMM là hãng tàu container lớn thứ 8 thế giới với năng lực chuyên chở đạt hơn 784.000 TEU, trong đó đội tàu do HMM sở hữu có tổng sức chở là 565.000 TEU và phần còn lại là các tàu thuê. Hiện hãng cũng đang đặt đóng mới 25 tàu với tổng sức chở vào khoảng 251.000 TEU.
Giáo sư Kim nhấn mạnh hiện chỉ có 20% lượng hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc đi đến Mỹ và Châu Âu được vận chuyển bởi các hãng tàu Hàn Quốc và cho rằng hãng tàu HMM cần phát triển đội tàu lớn hơn để cạnh tranh hiệu quả hơn so với các đối thủ.
Ông nhận định: "Tôi thấy là Hàn Quốc không thể đảm bảo hoàn toàn quyền tự quyết trong lĩnh vực vận tải biển. Evergreen và Yang Ming, hai hãng tàu Đài Loan cạnh tranh cho vị trí dẫn đầu ở thị trường Đông Bắc Á đang có đội tàu với tổng sức chở đạt 2,3 triệu TEU, trong khi hãng tàu ONE của Nhật Bản cũng sở hữu đội tàu có quy mô 1,8 triệu TEU."
Trong bối cảnh cả Yang Ming, ONE và HMM cùng là thành viên trong Liên minh THE Alliance, Giáo sư Kim nhận định: "Khi Liên minh châu Âu và Mỹ củng cố luật cạnh tranh, các hãng tàu gặp khó khăn trong việc duy trì hệ thống hợp tác mà trong đó các hãng chia sẻ hoạt động khai thác tàu, và điều này khiến cho bức tranh về tương lai của các liên minh là chưa rõ ràng. Và tình hình sẽ còn xấu hơn khi hãng tàu Hapag-Lloyd sẽ rút lui khỏi THE Alliance và hợp tác với Maersk vào năm sau."
Theo ông Kim, khi đặt hàng đóng tàu mới hoặc mua tàu, tốt nhất là hãng tàu nên tránh vay vốn ngân hàng, và hiện nay thì các hãng vẫn còn lượng tiền mặt khá dồi dào sau khoản lợi nhuận “khủng” trong giai đoạn 2020-2022.
Giáo sư Kim cho biết thêm: "Vì HMM đang có sẵn hơn 10 nghìn tỷ won (tương đương 7,5 tỷ USD), hãng cần phải thoát khỏi thông lệ thường là dùng khoản vay 70% đến 90% trị giá tàu để thực hiện thương vụ. Điều này sẽ giúp giảm tỷ lệ nợ của hãng bằng cách tăng khả năng tự chi trả lên 50%, tránh bị ảnh hưởng trong giai đoạn suy thoái."
Về những nỗ lực gần đây khi thương vụ bán HMM cho liên doanh Tập đoàn Harim và JKL Partners không thành, Giáo sư Kim đề xuất cổ đông lớn nhất của hãng, Korea Development Bank nên điều hòa lại bầu không khí đang khá “hỗn độn” trong hãng, thiết lập sự ổn định trong hoạt động quản lý HMM, và sau đó là khởi động lại quá trình bán HMM.
Người phát ngôn của HMM cho The Loadstar biết rằng vào tháng 7/2022, hãng đã đề ra kế hoạch phát triển đội tàu container có sức chở 1,2 triệu TEU vào năm 2026. Ông cho biết thêm: "Chúng tôi đã đi được nửa đường trong kế hoạch này rồi. Chúng tôi không cân nhắc việc liên kết các kế hoạch đầu tư (vào đội tàu) của mình với lộ trình tư nhân hóa, vì đây là hai nội dung khác nhau."
Xem thêm: